Trong những ngày biển động do bão vừa qua, một chú cá voi đuối sức trôi dạt vào bờ biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam và “Ông” lụy ngay sau đó. Cả làng cùng bắt tay lo tang lễ, họ xem đây là sự kiện trọng đại của làng. Từ bao đời nay, ngư dân các làng cá dọc bờ biển Đà Nẵng có tín ngưỡng thờ phụng cá Ông, không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. Lễ hội Cá Ông hay Cầu ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố.
Chôn cất cá Ông trang trọng, chu đáo. |
“Nam Hải cự tộc đại vương Lân Tôn Thần”
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, cá Ông là người bạn dẫn dắt người đi biển, cá Ông đưa người gặp nạn đến nơi đến chốn, nên rất được người dân làng chài quý trọng. Cá Ông trôi dạt vào làng và lúc “Ông” lụy, đuôi “Ông” ngang, mắt nhìn thẳng, báo hiệu mùa cá sắp đến sẽ bội thu. Còn theo các ngư dân, khi hoạt động trên biển, hễ thấy có dòng nước phun lên cao từ nơi lỗ hổng ở trán cá voi, là họ nhớ ngay câu “Ông lên hiệu, liệu mà trốn”, tức là sẽ có bão tố. Khi bão tố xảy ra, thuyền nhỡ gặp nạn lập tức cá voi lao tới, dùng thân mình che đỡ, đương đầu với sóng to gió lớn, dìu thuyền và người vào đến tận bờ. Lúc trời trong biển lặng, cá voi thường gọi cá đàn tập trung lại làm mồi, khi cá voi xốc tới để ăn mồi, thì ngư dân nhanh chóng chèo thuyền tới tung lưới bủa vây xung quanh.
Thấy vậy, cá voi nhẹ nhàng tránh ra xa, tỏ ý nhường ngư dân thu hoạch. Vì thế, ngư dân mang ơn sâu nặng, cung kính gọi cá voi là Ngài, là Đức Ông, cá Ông, Đức Ngư, Ngư Ông và xưng tụng là “Nam Hải cự tộc đại vương Lân Tôn Thần” được vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị,… sắc phong tước hiệu, ban cho các mỹ từ và lệ cấp táng cho cá Ông lụy… Cá Ông lụy được người dân làng chài Nam Ô khâm liệm và mai táng trang trọng trong rừng dương phòng hộ bên bờ biển phía Đông đường Nguyễn Tất Thành. “Ông” sẽ nằm tạm tại rừng dương này trong 3 năm với đầu hướng về biển cả, trước khi được làng cung nghinh ngọc cốt (lấy xương cá rửa bằng rượu gạo sạch sẽ, xếp vào quách) về thờ tại lăng Ngư Ông cùng với hơn 30 “Ông” khác đang được thờ tại đây. Người đi câu cá phát hiện ra “Ông” đang bị trôi dạt vào bờ là anh Nguyễn Văn Phú (trú tổ 39, phường Hòa Hiệp Nam) được coi là con ông Nam Hải, đứng ra chịu tang trong 3 năm.
Phát huy giá trị di sản, di tích, lễ hội
Ngày biển động, trước khi ra biển đánh bắt cá, ngư dân Trần Văn Trác ở tổ 33, phường Mân Thái khiêng chiếc thúng chai (thuyền thúng) đến lăng thờ Đức Ngư Ông ở phường thắp nhang, cầu xin “Ông” che chở và ban phước cho chuyến đi, rồi đưa thúng chai xuống nước. Hầu như làng chài nào ở dọc bờ biển Đà Nẵng cũng có đền thờ cá Ông với các tên gọi như: Lăng Ông, Dinh Ông, lăng Ngư Ông, lăng thờ Đức Ngư Ông… và mặt hướng ra biển (riêng lăng cá Ông ở phường Nại Hiên Đông, An Hải Tây mặt hướng về sông Hàn). Lăng Ông thường luôn mở cửa, vào bất kỳ thời điểm nào, ngư dân đều có thể đến cúng, cầu xin “Ông” che chở và ban phước cho những chuyến đi biển an toàn và đánh bắt nhiều cá.
Những dữ liệu khoa học cũng đã giải thích cho hiện tượng cá voi hay cứu người một cách khách quan. Khi thời tiết xấu và biển động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh. Biển càng động thì cá voi càng lặn sâu. Nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng nó lại phải trồi lên mặt nước. Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm thì cá voi sẽ kiệt sức dẫn đến bị chết, nó sẽ trôi theo dòng nước và được sóng đưa vào bờ. Bên cạnh đó, bão tố thường xuyên xuất hiện trên biển cũng là một nguyên nhân khiến cho loài cá này thường tìm một nơi ẩn náu, đó chính là những con thuyền của ngư dân. Do bất ngờ vì bão tố và không thể trốn lâu dưới nước sâu, cá voi phải rình chờ khi thuyền bè đi qua thì xáp lại mạn thuyền, dựa lưng vào nhau tránh bão và cùng được sóng đưa vào bờ. |
Điều đáng quan tâm là với tốc độ đô thị hóa và việc phát triển kinh tế-xã hội hướng ra biển như hiện nay, các nghĩa địa cá voi và lăng Ông ở các địa phương ven biển của quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu đã và đang đứng trước nguy cơ giải tỏa, nhường đất cho các dự án phát triển hạ tầng và du lịch. Nếu như ngư dân làng Nam Ô có thể tận dụng rừng dương phòng hộ làm nơi chôn cất cá voi để 3 năm sau thỉnh ngọc cốt thì theo ngư dân Trần Văn Trác, những năm gần đây, dân làng phải rước cá Ông lên chôn cất tại nghĩa trang Hòa Sơn khá tốn kém và không thuận lợi thờ cúng vì nghĩa địa cá voi đã giải tỏa và chính quyền địa phương cũng đã nghiêm cấm chôn cất trên đất đã quy hoạch và bãi biển.
Giải tỏa nghĩa địa cá Ông và không có khu vực nào ven bãi biển để chôn cất “Ông” trang trọng là thực trạng chung của hầu hết làng chài. Thiết nghĩ, thành phố và các cơ quan chức năng cần quy hoạch một vài khoảnh đất nhỏ ven bờ biển để làm nơi chôn cất cá voi trang trọng và có giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích lăng cá Ông và Lễ hội Cầu ngư (đang có lợi thế sát bờ biển) như là một điểm tham quan, sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với các bãi biển Đà Nẵng đang ngày càng đông; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp và giáo dục tinh thần bảo vệ cá voi cùng nguồn lợi thủy sản đang bị đánh bắt vô tội vạ trên thế giới, trong đó có một số vùng ở Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Hiệp