.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động

Nhân dịp Quốc hội thảo luận Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam có một số ý kiến về các dự thảo trên. Sau đây là trao đổi của phóng viên với đồng chí Đặng Ngọc Tùng về vấn đề này.

* P.V: Thưa đồng chí, có ý kiến còn băn khoăn với chức năng đại diện cho người lao động một cách độc lập của Công đoàn, xin đồng chí cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Đồng chí Đặng Ngọc Tùng: Từ trước tới nay, các văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Kết luận số 09-KL/TW ngày 16-9-2011 của Bộ Chính trị, Bộ luật Lao động hiện hành, Luật Công đoàn hiện hành và các văn bản pháp luật khác đều quy định Công đoàn có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động và trong thực tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp Công đoàn đã và đang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động. Mặt khác, về lý luận, chức năng đại diện là chức năng bẩm sinh của Công đoàn. Công đoàn sinh ra là để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân - giai cấp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Công đoàn không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, mà còn phải đồng thời cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vì vậy, cần phải kiên định quan điểm của Đảng và lập trường của giai cấp công nhân, kế thừa khái niệm Công đoàn hiện hành và khẳng định Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Chính vì vậy, cần tiếp tục khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động là một trong các chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam và cần phải đưa vào Luật Công đoàn (sửa đổi).

* P.V: Hiện nay, người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam khá nhiều, vậy họ có được gia nhập Công đoàn Việt Nam không, thưa đồng chí?

- Đồng chí Đặng Ngọc Tùng:  Đây là vấn đề mới, nhất là khi đất nước ta đang mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, theo đó có hàng chục ngàn người là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong thực tế, quan hệ lao động giữa người lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động cũng bắt đầu có những phát sinh mâu thuẫn, nhưng chưa có tổ chức Công đoàn để bảo vệ họ. Vì vậy, vấn đề kết nạp người lao động là người nước ngoài vào tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng cần được xem xét.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội X Công đoàn Việt Nam, khi thảo luận dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, có một số ý kiến đề nghị cần phải kết nạp người lao động là người nước ngoài vào Công đoàn Việt Nam. Nghị quyết Đại hội tạm thời chưa xem xét việc kết nạp người lao động là người nước ngoài vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cũng có nhiều ý kiến đề nghị: Người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc đang làm việc tại các doanh nghiệp của Việt Nam, có thời hạn hợp đồng lao động từ một năm trở lên, có giấy phép lao động của cơ quan thẩm quyền, tự nguyện và thừa nhận Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam, khi không còn làm việc ở Việt Nam thì thôi tham gia Công đoàn Việt Nam.

* P.V: Tại sao trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên thì có cán bộ Công đoàn chuyên trách, còn dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định là doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên mới có cán bộ Công đoàn chuyên trách?

- Đồng chí Đặng Ngọc Tùng: Việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách ở doanh nghiệp là cần thiết, sẽ tạo điều kiện cho Công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, nhất là ở các doanh nghiệp lớn, có đông lao động, nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có bao nhiêu lao động thì mới có thể bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách cho phù hợp, vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tổng LĐLĐ Việt Nam hoan nghênh Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa quy định ở các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách.

Nhưng sau khi cân nhắc, tính toán với điều kiện thực tế, thì nguồn kinh phí của tổ chức Công đoàn (nếu thu đủ như quy định tại Điều 26) chi phục vụ cho phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn là chính, chỉ sử dụng một phần để chi trả lương cho cán bộ Công đoàn chuyên trách. Theo tính toán của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên thì nguồn thu mới có thể bảo đảm chi cho các hoạt động của tổ chức Công đoàn và chi trả cho một suất lương Công đoàn chuyên trách.

* P.V: Cám ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

P.V (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.