“Xe dù, bến cóc” (XDBC) lâu nay luôn là điều bức xúc với những đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký hoạt động theo tuyến cố định, đây cũng là vấn đề khiến cho cơ quan chức năng mất nhiều công sức để xử lý. Thế nhưng có một nghịch lý là càng xử lý thì XDBC lại càng bùng phát mạnh hơn. Từ chỗ chỉ tập trung dọc theo đường Trường Chinh và Tôn Đức Thắng thì hiện nay đã phát triển thêm cả chục vị trí ở khắp nơi trong thành phố với rất nhiều “chiêu” qua mặt cơ quan chức năng.
Điểm XDBC trên đường Trường Chinh hoạt động nhộn nhịp. |
Những năm trước, để xử lý tình trạng XDBC, thành phố thành lập Đội kiểm tra liên ngành bao gồm CSGT, Thanh tra giao thông và cả Công an địa phương, nhưng thực tế cho thấy hoạt động không hiệu quả. Trước tình hình này, từ tháng 8-2010, thành phố đã quyết định giao công việc này cho lực lượng Cảnh sát trật tự (CSTT) đảm nhận. Tròn một năm qua, với sự nỗ lực rất lớn, lực lượng CSTT đã lập biên bản và xử phạt trên 1.300 trường hợp xe khách đậu đỗ không đúng vị trí, đón khách sai nơi quy định. Đây là con số cao nhất so với thời điểm Đội liên ngành thực hiện.
Thế nhưng bất chấp, các điểm nóng về XDBC trên đường Trường Chinh và Tôn Đức Thắng có thể nói là chưa bao giờ... hạ nhiệt. Chỉ trừ thời điểm lực lượng CSTT chốt trực tại chỗ, hoặc xe tuần tra của CSTT chạy qua thì các điểm XDBC mới tạm thời giải tán, rồi gần như ngay lập tức, “nhóm họp” trở lại rất sôi động. Hoạt động nhộn nhịp nhất là vị trí gần ngã ba Huế và cầu vượt Hòa Cầm trên đường Trường Chinh, lúc cao điểm có 3-4 xe dàn hàng ra giữa đường để “bắt” khách, khiến cho những phương tiện khác qua đây phải bấm còi inh ỏi để mở đường.
Trong lúc XDBC cũ hoạt động huyên náo như vậy thì các điểm XDBC mới phát sinh hoạt động ồn ào không kém vì thường xuyên có lượng khách khá đông. Trong vai một hành khách tìm xe đi tuyến Quảng Ngãi, chỉ cần vài câu hỏi thăm mấy anh xe ôm trước cổng Bệnh viện Hoàn Mỹ, chúng tôi đã có đầy đủ thông tin và giờ chạy, kể cả số điện thoại để yêu cầu xe đến tận nhà đón. Ngày hôm sau, đúng 9 giờ sáng như anh xe ôm đã thông báo, một xe 12 chỗ BKS 76M 23… vừa trờ tới, rất nhanh, hơn 10 người leo vội lên, xe đóng cửa chạy về hướng đường Điện Biên Phủ. Chúng tôi cũng vội chạy xe máy theo và quả đúng như thông tin đã liên lạc với nhà xe trước đó, đến trước Siêu thị Co.op Mart, xe dừng lại để đón khách đi Quảng Ngãi.
Sau vài hồi còi “bin bin” không thấy có khách, chiếc xe vội vàng chạy về hướng quốc lộ 1A. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “bến xe” này đã tồn tại vài năm nay, chủ yếu chở bệnh nhân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... đến bệnh viện và ngược lại. Gần đây còn có nhiều người không đi khám bệnh cũng chọn “bến xe” này vì tiện hơn. Vào những ngày đầu tuần, hoạt động của “bến xe” nhộn nhịp hơn với khoảng gần 10 xe đưa đón hành khách dừng tại đây.
Không ổn định như “bến xe” gần Bệnh viện Hoàn Mỹ, nhưng tại âu thuyền Thọ Quang, XDBC hoạt động khá ồn ào những lúc có tàu thuyền về bến nhiều. Theo chủ xe khách BKS 78K 32... khẳng định là có bao nhiêu người đi thì chỉ cần 30 phút sau là có xe ngay, xe máy lạnh hẳn hoi. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì tại khu vực này, vào dịp các tàu đánh cá từ các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam... cập Cảng cá Thọ Quang, mỗi ngày có trên 10 xe khách từ 12 đến 25 chỗ tới đón và chở họ về tận quê.
Đặc biệt, dọc đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương từ lâu trở thành địa chỉ mở “bến xe” nhưng lại núp dưới danh nghĩa “xe hợp đồng” và “open tour” hoạt động công khai. Thời gian đầu chỉ có xe của Công ty Đ.N, rồi đến X.T, hiện nay có thêm T.X.P, C.V hoạt động theo hình thức “xe hợp đồng” và bán phiếu giữ chỗ (không bán vé để tránh bị xử phạt). Với khoảng gần chục chiếc xe giường nằm 2 tầng của các doanh nghiệp, tính ra mỗi ngày các bến cóc này có khoảng từ 300-400 hành khách đi. Còn nếu như tính tất cả điểm XDBC trên địa bàn thành phố thì trung bình mỗi ngày Bến xe Trung tâm mất từ 600-800 hành khách. Điều này cũng có nghĩa thành phố sẽ thất thu thuế từ dịch vụ vận tải chui này khá lớn và làm môi trường kinh doanh vận tải mất công bằng.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn