.

Bi kịch những mối tình sinh viên

.

Chỉ trong tháng 10-2011 liên tiếp xảy ra 3 vụ án liên quan đến sinh viên, mà nguyên do đều bắt nguồn từ chuyện tình ái.

Mô tả ảnh.
Đối tượng Phan Văn Sự (thứ 2, từ phải qua) - kẻ sát hại nữ sinh Hồ Thị Lý trên đường Trưng Nữ Vương ngày 8-10.

Ghen quá... hóa cuồng!

Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi nữ sinh Hồ Thị Lý (18 tuổi), trú huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc, là sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa bị Phan Văn Sự (SN 1989), trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An giết chết trên đường Trưng Nữ Vương, TP. Đà Nẵng vào chiều 8-10 đến nay người dân vẫn còn bàng hoàng. Sau khi vụ án xảy ra, Công an thành phố Đà Nẵng nhanh chóng vào cuộc và bắt được hung thủ. Qua điều tra được biết, vụ án xảy ra là do mâu thuẫn từ mối tình tay 3 giữa 2 cô gái là bạn thân và Phan Văn Sự. Chỉ để giải quyết những vướng mắc cũng như những uẩn khúc trong chuyện tình ái mà cô bạn thân của nạn nhân là Phạm Thị Thanh Tuyền (SN 1993), trú thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc đã bàn với Phan Văn Sự lên kế hoạch giết chết Lý.

Vụ án nữ sinh bị giết dã man chưa hết “nóng” thì sau đó 4 ngày, vào khoảng 21 giờ ngày 12-10, trước cổng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, để giải quyết chuyện tình yêu giữa mình với Lê Thị Thu Th. (19 tuổi) trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Hoàng Hải, quê huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, cùng đồng bọn dùng hung khí truy sát 3 thanh niên (trong đó có 1 sinh viên), khiến cả 3 “thập tử nhất sinh”. Cũng trong đêm 12-10, do ghen tuông, anh Trần Đình H. (SN 1989) quê Đông Hà, Quảng Trị yêu N.T.N.H (SN 1990), sinh viên Trường Cao đẳng Đông Du,  nên nhóm sinh viên của trường này gồm Ngô Trung Thành (SN 1990) quê Đắc Lắc, Phạm Duy (SN 1989), Nguyễn Đông Viễn (SN 1989), Đỗ Văn Quốc (SN 1991) và Nguyễn Hữu Thi (SN 1991) đều quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đã dùng cây đánh anh H. trọng thương phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng...

Nguyên nhân nào?

Đà Nẵng là trung tâm giáo dục lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tập trung hàng chục trường đại học, cao đẳng và các trường trung cấp chuyên nghiệp, nên lưu lượng sinh viên đến học tập lên đến hàng trăm nghìn người. Trong khi đó, việc thiếu ký túc xá buộc hàng chục nghìn sinh viên phải sống ngoại trú. Xa gia đình, kèm thêm sự quản lý lỏng lẻo của các chủ nhà trọ nên tình trạng nam nữ sống theo kiểu “già nhân nghĩa, non vợ chồng” diễn ra phổ biến và thực tế đã để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Phó Trưởng phòng PC45 - Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Từ năm 2005 đến nay, đã có hàng chục vụ án xảy ra liên quan đến sinh viên. Trong đó, nguyên nhân là do ghen tuông về chuyện tình ái. Chưa kể đến hàng trăm vụ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo khác có liên quan đến đối tượng là sinh viên”. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, trong hầu hết các vụ án, các đối tượng (kể cả nạn nhân) là người ngoài thành phố, đa số rơi vào các trường học thuộc hệ dân lập. “Sinh viên là những trí thức trẻ trong xã hội.

Lẽ ra họ phải có cách nhìn trong sáng hơn trong chuyện tình yêu. Những cái kết đau lòng nói trên đều do lối sống và cách suy nghĩ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm đến người khác. Bên cạnh đó, do các sinh viên chưa có vốn sống, thiếu kỹ năng giải quyết những tình huống phức tạp, nên khi gặp chuyện rắc rối họ không thể vượt qua. Để phòng ngừa loại tội phạm  này là một vấn đề thách thức không chỉ đối với ngành Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội”, Thượng tá Lài chia sẻ.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng phạm tội trong sinh viên,  các ngành, các cấp, đoàn thể, nhất là nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, tư vấn về tình yêu tuổi trẻ, giáo dục lý tưởng sống trong sáng cho sinh viên. Phải giúp cho những đối tượng này có định hướng đúng đắn trong cuộc sống.  Về vấn đề này, theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố thì: “Đoàn Thanh niên các trường phải là cầu nối giữa sinh viên và nhà trường, phải biết nơi ở của từng sinh viên mình để dễ liên hệ khi có việc đột xuất. Ngoài ra, chủ các nhà trọ cần phải thực hiện nghiêm túc công tác khai báo tạm trú, tạm vắng; lực lượng Công an phải tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng nam nữ sinh viên “sống tạm” với nhau không hôn thú, ngăn chặn từ đầu các nguyên nhân dẫn đến phạm tội của sinh viên, không để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.