(ĐNĐT) - Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp so với nhu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và đánh giá chung là vẫn còn bất cập, khiếm khuyết, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận thừa nhận khi trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, 24-11.
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận. Ảnh: Vietnamnet |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên), Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) về một số trường hiện nay không tuyển đủ số lượng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Chất lượng giáo dục ĐH hiện nay chưa đạt chất lượng. Nhiều trường ĐH không tuyển đủ sinh viên là do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, năng lực giáo viên còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc cho phép thành lập trường, tuyển sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Năm 2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho ngừng tuyển sinh của 2 trường ĐH không chấp hành quy định tuyển sinh; cho dừng tuyển sinh, đóng ngành đối với 101 chuyên ngành không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo đang tiến hành thanh tra tại 20 trường và sẽ công khai xử lý nếu những trường này không đảm bảo các yêu cầu về tuyển sinh, thành lập trường.
Cho đến nay, chưa phát hiện sai phạm của các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương và địa phương. Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với UBND các tỉnh, Sở GD-ĐT các địa phương để tiến hành thanh tra các trường ĐH không đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nếu phát hiện cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước không thực hiện nghiêm, công khai chính xác chất lượng thì sẽ xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biêt, theo thống kê từ năm 2006 tới 2011, 84 trường đại học được thành lập, trong đó thành lập mới 33 trường và nâng cấp 51 trường từ CĐ lên ĐH (trong đó có 59 trường công lập, 35 trường tư thục). Hiện cả nước có 202 trường đại học và 218 cao đẳng. Càng ngày Bộ càng thắt chặt việc mở mới các trường. |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, thực trạng giáo dục ĐH hiện nay cần được cải thiện căn bản, toàn diện từ chương trình, giáo viên, hệ thống quản lý, đề án đổi mới toàn diện sách giáo khoa, nội dung chương trình giảng dạy. Chúng ta cần những trường tốt, tương xứng với những trường ở trong khu vực và trên thế giới nên sắp tới sẽ kiên quyết giải thể, đình chỉ hoạt động những trường không đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: "Dường như bộ trưởng chưa thừa nhận đầu ra thấp của giáo dục đại học? So với mặt bằng thế giới và khu vực, chất lượng giáo dục đại học của ta thấp. Là bộ trưởng mới, ông có ý tưởng gì, đột phá từ đâu để giải pháp căn bản và toàn diện trên mặt bằng giáo dục được đánh giá thấp như hiện nay?".
Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn thêm: "Trước thực trạng nền giáo dục nước nhà, Bộ trưởng có ý định xây dựng đề án tái cấu trúc nền giáo dục?".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp so với nhu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và đánh giá chung là vẫn còn bất cập, khiếm khuyết. Bộ đang phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương thành lập ban nghiên cứu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo. Sắp tới, Trung ương sẽ thảo luận về vấn đề này và sẽ ra nghị quyết.
Sẽ quy hoạch nguồn nhân lực đối với ngành khoa học xã hội
Trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH phải đóng cửa các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai. Băn khoăn của đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (đoàn TP HCM) được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, không riêng gì các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn và nhiều ngành khác như: Nông-lâm-ngư chỉ có 2,5% số hồ sơ đăng ký vào ngành này, kiến trúc xây dựng chỉ có 1,8% hồ sơ đăng ký.
Đây là một thực trạng về sự mất cân đối giữa nhu cầu ngành học và tuyển dụng nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương khảo sát nhu cầu học của thanh niên và quy hoạch ngành nghề tuyển dụng trong tương lai; đồng thời Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ xem xét có thêm các chính sách khuyến khích người học vào những ngành Khoa học xã hội và Nhân văn cũng như những ngành nghề đang thiếu và cần trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần có giáo dục truyền thông để định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh từ bậc PTTH.
ĐNĐT tổng hợp