.

"Cát tặc" vẫn lộng hành

.
ĐNĐT) - Tình trạng khai thác cát trái phép đang tung hoành ở nhiều tuyến sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và đe dọa tính mạng của người dân.
 
Hoạt động rầm rộ vào ban đêm

Một trong những “điểm nóng” nhức nhối về nạn khai thác cát trái phép là đoạn sông qua khu phố An Lưu (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát tại đây đã diễn ra từ nhiều năm nay, các đối tượng khai thác cát trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

Mô tả ảnh.
Nạn khai thác cát trái phép "ăn" vào bờ sông, làm diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp.
 
Nhiều người dân bức xúc cho biết: có ngày số sà lan và thuyền về lấy trộm cát ở khu vực này lên tới hàng chục chiếc. Tình trạng khai thác cát ngay sát bờ sông nếu cứ tiếp diễn sẽ làm hai bên bờ sông lở ra, rồi lấn sâu vào chân đê, sẽ gây sụt cho cả quãng đê dài hàng km, đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp.

Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, thời gian gần đây nạn khai thác, hút cát trộm xảy ra ồ ạt ven đoạn kè An Lưu đi qua phường khiến nhiều đoạn bị sạt lở hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến khoảng trên 500 hộ dân sống ven sông từ tổ 23 đến tổ 25. Ông Hòa cho rằng: đoạn sông bị sạt này nằm giáp ranh với phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) nên khó xử lý đồng bộ.

“Phường có đội dân phòng, công an… thường xuyên theo dõi và ngăn chặn. Thời gian qua lực lượng chức năng có truy bắt được nhiều sà lan, ghe hút cát trộm, bọn “cát tặc” có tạm lắng một thời gian nhưng sau đó lại tiếp tục bùng nổ và ngang nhiên hơn trước” – ông Hòa nói.
 
Mô tả ảnh.
Một đoạn bờ sông đang hàng ngày bị sạt lở do nạn hút cát trộm

Tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra rầm rộ tại khu vực sông Cổ Cò qua quận Ngũ Hành Sơn (từ đoạn cầu Tứ Câu, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến chân cầu Tuyên Sơn, Đà Nẵng). Nhiều đoạn mép sông cao 2-3m đang nứt nẻ, từng tảng đất đang đổ ập xuống lòng sông.
 
Đoạn sông dài khoảng 1km đi qua địa phận tổ 9A phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) đang có nguy cơ bị "ngoạm" sâu dần vào diện tích đất trồng rau của các hộ dân nơi đây. Một số người dân cho hay, trước kia còn có một số cồn cát nổi lên nhưng đến nay cũng bị đánh sập bởi bọn trộm cát.

Bắt đã khó... xử lý còn khó hơn

Theo Đại úy Nguyễn Quang Đức - Đội trưởng đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và chức vụ-Môi trường, Công an quận Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm đến nay, tổ công tác liên ngành của quận đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, bắt quả tang và lập biên bản vi phạm hành chính 26 trường hợp, ra quyết định xử phạt hơn 300 triệu đồng. Mới đây, tổ liên ngành quận đã huy động hơn chục chiến sĩ, mật phục từ 2 giờ tới 5 giờ sáng ngày 27-10 mới bắt quả tang 9 sà lan và ghe vận chuyển cát trộm về Đà Nẵng tiêu thụ.
 
Mô tả ảnh.
Phương tiện chở cát trái phép vi phạm bị tạm giữ. Tuy nhiên không có chỗ đậu đỗ, nên xử phạt xong lại thả ngay sau đó khiến việc "cát tặc" khó xử lý tận gốc.

Tuy nhiên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn không hề giảm, ngược lại hoạt động khai thác có phần tinh vi hơn trước, nguyên nhân do các đối tượng liều lĩnh, manh động hơn nên việc bắt quả tang và xử lý gặp nhiều khó khăn.
 
“Nhiều đối tượng còn thuê hẳn một nhóm “quân xanh” ở trên bờ để làm nhiệm vụ cảnh giới. Chỉ cần có động tĩnh gì của các lực lượng chức năng là ngay lập tức chúng thông báo cho các tàu chạy trốn. Bởi vậy việc bắt quả tang được khi chúng khai thác trộm là đã khó, nhiều khi đã bắt được còn bị chúng đánh trả, nhiều trường hợp còn đánh chìm tàu rồi bỏ trốn” – ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, quy định xử phạt ở mức 10-20 triệu/trường hợp là chưa đủ sức nặng nên các đối tượng này vẫn nhởn nhơ. “Mỗi khối cát vào Đà Nẵng khoảng 80 ngàn đồng, chỉ cần 1 chuyến là chúng đã thu được 5-6 triệu đồng/ghe. Mùa mưa này việc trộm cát còn nhanh hơn nên số tiền khi bị phạt cũng chưa là bao so với lợi nhuận chúng thu được” – ông Đức phân tích.

Còn theo Trung tá Trần Hữu Xuân, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Công an thành phố Đà Nẵng, thì vấn đề nữa là việc tạm giữ và xử lý phương tiện gặp nhiều khó khăn do thiếu bến bãi. Bởi vậy khi các phương tiện vi phạm bị bắt sẽ chỉ bị lập biên bản, rồi xử phạt hành chính xong lại thả ra ngay sau đó nên để ngăn chặn nạn “cát tặc” tận gốc là rất khó.

“Thường các phương tiện khai thác cát đều là những sà lan, tàu thuyền cồng kềnh, khi tạm giữ cũng rất khó bởi không bố trí được điểm neo đậu an toàn. Hơn nữa việc bố trí lực lượng canh coi cũng rất khó. Các phương tiện mục nát, dễ bị chìm, nên nhiều khi lực lượng canh coi này gặp nhiều nguy hiểm, nhất là vào ban đêm” – Trung tá Xuân nói.

Theo ông Đức, việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép cần phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Còn ông Xuân cho rằng, thành phố cần có quy định cụ thể vùng được phép khai thác cát trên sông vào quy hoạch sao cho vừa hiệu quả, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên này.
 
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát thường xuyên liên tục trên các điểm nóng, bến bãi, kiên quyết xử lý thật nặng đối với các trường hợp vi phạm thì mới mong tình trạng này giảm đi.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.