.

Chăm lo đời sống công nhân

.
Chiều 9-11, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về thực trạng đời sống người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố.
 
Mô tả ảnh.
Đồng chí Trần Thọ phát biểu tại buổi làm việc.  Ảnh: N.THÀNH
 
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Võ Công Trí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện các sở, ngành, đoàn thể liên quan.

Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có 6 KCN, thu hút hơn 325 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 566 triệu USD. Trong các doanh nghiệp (DN) hiện có hơn 61 nghìn lao động; trong đó nữ chiếm trên 70%. Công nhân (CN) trong các KCN có tuổi đời bình quân từ 25 - 27; lao động nhập cư chiếm 50%; CN kỹ thuật, được đào tạo chính quy chiếm tỷ lệ rất thấp; hầu hết đều chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn… Về thực trạng, CN có việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ trên 90%; tuy nhiên mức thu nhập thấp; cường độ làm việc cao (làm việc từ 8-12 giờ/ngày  chiếm 68,8%); điều kiện nhà ở và sinh hoạt còn nhiều khó khăn; đời sống tinh thần chưa được quan tâm đúng mức (tỷ lệ người lao động được tham gia các loại hình vui chơi giải trí chỉ chiếm từ 15-20%)…
 
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN đã quan tâm triển khai các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để CN yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với DN; triển khai xây dựng tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động; xây dựng những mô hình như: tổ CN nhà trọ tự quản; bán hàng bình ổn giá; chăm sóc sức khỏe; can thiệp giá điện, nước, nhà trọ; kiểm tra bảo đảm môi trường lao động cũng như việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động…

Để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho CN trong các KCN, thành phố cũng đã đề ra các giải pháp như: Phân kỳ để thực hiện mục tiêu chăm lo đời sống CN; ưu tiên triển khai nhà ở xã hội dành cho CN; ban hành thiết chế văn hóa tại các KCN; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; chủ động nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của CN; quan tâm đầu tư đúng mức việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho CN; coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị; tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền và vai trò của Công đoàn trong việc quan tâm chăm lo đời sống CN…

N.T
;
.
.
.
.
.