.

Chăn nuôi khó khăn

.
Dịch heo tai xanh trên địa bàn thành phố đã tạm lắng, tuy vậy, hàng nghìn hộ chăn nuôi đang lâm vào cảnh khó khăn khi đàn heo bị chết, tiêu hủy. Sau dịch, rất ít hộ tính chuyện phục hồi đàn heo.
 
Mô tả ảnh.
Bà Mai Thị Hằng bên chuồng heo nay chỉ còn một con heo nái chưa khỏi bệnh.
 
Nhiều người cho rằng, dịch heo tai xanh phát sinh vừa qua, họ nhận được quá ít sự quan tâm hỗ trợ từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cuối tháng 9, dịch đã bùng phát, khá nhiều heo tại các xã, phường giáp ranh với tỉnh Quảng Nam nhiễm bệnh chết, nhưng mãi đến ngày 10-10, khi có Công văn số 6257/UBND-KTN của UBND thành phố về tăng cường công tác phòng chống dịch heo tai xanh, công tác chống dịch mới triển khai. Rất nhiều hộ có heo chết trước ngày triển khai chống dịch, tự tiêu hủy, không được hỗ trợ.

Số liệu của Trạm Thú y huyện Hòa Vang từ ngày 13-10 đến ngày 1-11, số heo nhiễm bệnh trên địa bàn 1.000 con, trong đó 210 con bị tiêu hủy, sẽ nhận được nguồn hỗ trợ của thành phố với mức 38 nghìn đồng/kg. Thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, số heo bị chết trong đợt dịch vừa qua lớn hơn nhiều so con số đó, bởi từ cuối tháng 9 đến 13-10 là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Thời điểm này, chưa có Chỉ thị chống dịch, cơ quan thú y chỉ giám sát theo dõi. Các hộ có heo chết tự mình tiêu hủy. Có người quá bức xúc trước sự thờ ơ của cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã chở heo chết đến UBND huyện Hòa Vang trình báo. 

Ngày 4-10, khi đến làm việc tại UBND xã Hòa Châu, chúng tôi gặp bà Mai Thị Hằng, ở thôn Quan Châu, xã Hòa Châu đến báo với lãnh đạo xã, heo của gia đình bà bị bệnh. Tiếp bà, ông Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Châu hứa sẽ báo với thú y cơ sở đến kiểm tra và điều trị. Chúng tôi đến nhà tìm hiểu thực hư chuyện heo bị bệnh tai xanh. Đúng như lời bà Hằng báo với Chủ tịch UBND xã, trong số 7 con heo có 6 heo thịt, mỗi con gần 50kg bị bệnh, nằm thở dốc. Ngày 10-11 vừa qua, chúng tôi quay lại và được bà Hằng cho biết, đàn heo thịt ấy đã chết từ ngày 8 đến 11-10. Bà cho biết thêm, ngày 4-10 ra xã báo, ngày 5-10 ông Ý (thú y cơ sở) vào và kê đơn bảo ra Hòa Cầm mua 500 nghìn đồng tiền thuốc về tiêm. Tiêm 2-3 ngày liền heo cũng không ăn uống gì.
 
Đến ngày 8-10, heo bị chết. Bà có báo với trưởng thôn và thú y huyện, thế nhưng không ai đến cả, mà chỉ nhận được câu trả lời là chưa có chủ trương hỗ trợ từ trên, nên không lập biên bản tiêu hủy. Bà phải đào hố chôn trong vườn. May mà con heo nái hơn 1 tạ qua khỏi. Ngày 24-10 vừa qua, ông Phó Chủ tịch xã và thú y huyện, xã đến nhà hứa cho thuốc để chữa trị tiếp cho con heo nái, nhưng đến nay vẫn chẳng thấy đâu. Bà Hằng cho biết: Tôi có ra xã hỏi thì được trả lời: Heo chết trước ngày 13-10 không được hỗ trợ. Có người nói viết đơn xin hỗ trợ, tôi đã viết và gửi đi rồi. 

Cách nhà bà Hằng không xa, gia đình ông Lâm Quang Hậu cũng chết mất 10 con trong đàn heo 11 con và phải tự tiêu hủy. Ông Trần Văn Trọng, trưởng thôn Quan Châu xác nhận hộ chăn nuôi có heo chết trước ngày 13-10 khá nhiều, hộ nào ông cũng chứng kiến và xác nhận. Cụ thể như hộ ông Đỗ Chư chết 6 con, hộ ông Phan Minh Trung chết gần 10 con...      
  
Tại xã Hòa Phước, số liệu chính quyền địa phương nắm được có 274 con heo của 51 hộ bị nhiễm bệnh, trong đó 49 con đã chết, nhưng chỉ có 23 con được lập biên bản. Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hòa Phước là địa bàn giáp với Quảng Nam, dịch phát sinh đồng thời với các xã Điện Hòa, Điện Thắng kế cận. Một số hộ có heo chết, khi thú y cơ sở chưa kịp chữa trị, nên đành tự tiêu hủy. Theo ông, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ số heo bị chết trước ngày 13-10, có sự giám sát của chính quyền địa phương để người dân đỡ thiệt thòi. 

Ngành nông nghiệp cũng cần có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, giống để họ sớm phục hồi đàn heo, vừa tạo cơ hội cho nông dân tăng thu nhập, vừa làm ra của cải cho xã hội.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu 
;
.
.
.
.
.