.

Đào tạo lái ô-tô: Chưa an tâm về chất lượng

.

Đà Nẵng hiện có 8 trung tâm đào tạo lái ô-tô, có khả năng đào tạo  cho từ 800 đến 1.000 người/tháng. Đây là con số đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân, tuy nhiên về chất lượng “đầu ra” vẫn chưa thể an tâm.

 

Mô tả ảnh.
Nội dung thực hành rất quan trọng trong đào tạo lái xe.

 

Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải đánh giá, nhìn chung công tác đào tạo lái ô-tô trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nền nếp. Với sự tăng cường kiểm tra thường xuyên của Sở Giao thông-Vận tải và đột xuất của Bộ Giao thông-Vận tải, các trung tâm đào tạo lái xe tại thành phố đều đáp ứng được về cơ sở vật chất, giảng viên, tuân thủ giáo trình giảng dạy... Mặc dù vậy, theo ông Ba, giáo trình đào tạo lái ô-tô hiện nay có phần cứng nhắc và thiếu tính thực tế.

Ví dụ, đa số người học lái xe hạng B2 chủ yếu phục vụ việc đi lại của cá nhân và gia đình, thế nhưng họ vẫn phải học phần Nghiệp vụ vận tải là không cần thiết. Còn ông Võ Bá Huân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái mô-tô, ô-tô miền Trung cho rằng, các trung tâm dạy lái xe đều buộc phải bám sát giáo trình của Bộ Giao thông-Vận tải quy định, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung thiếu tính thực tế. Ví dụ ở phần đạo đức người lái xe, không nên bắt buộc mọi đối tượng phải học nội dung giống nhau, vì trên thực tế, nhiều người đã học các chương trình có nội dung tương tự, ngược lại với một số đối tượng khác có thể tăng thời gian học môn này lên, thế nhưng quy định là bắt buộc tất cả phải học như nhau. Đặc biệt, yêu cầu học viên phải biết thay lốp xe cũng không thực tế, nhất là đối với nữ.

Đó là những bất cập nhìn từ cơ quan quản lý và đào tạo, còn khi trao đổi với những học viên đã và đang học các lớp đào tạo lái xe quả là rất đáng lo ngại. Theo anh Lê Thanh Phong, người vừa được cấp GPLX hạng B2 cho biết, theo chương trình thì tổng số giờ học là 563 giờ, trong đó lý thuyết 163 giờ, còn thực hành 400 giờ nhưng thực tế số thời gian trên rút xuống rất nhiều, nhất là thời gian thực hành. Theo lịch phần thực hành, cứ 4 người/xe thực hành trong một buổi tương đương 3,5 giờ, tính ra mỗi người thực hành gần 52 phút/buổi. Thế nhưng trên thực tế có đến…

101 lý do thời gian này bị rút xuống chỉ còn phân nửa. Trong đó có lỗi của học viên (do đi trễ phải chờ nhau), nhưng chủ yếu là do giáo viên “khát nước”, cứ chạy một tí đòi ghé vô quán nước để nghỉ. Theo một cán bộ dạy lái ô-tô ở quận Ngũ Hành Sơn, đây là “chiêu” giáo viên tìm cách “câu” học viên học thêm và ngoài ra, họ còn tiết kiệm được nhiên liệu (do nhà trường khoán nhiêu liệu từng buổi học). Vì vậy, trung tâm nào lơ là, học viên sẽ bị thiệt.

Đặc biệt, điều làm nhiều học viên lái xe bức xúc nhất là chất lượng của xe thực tập. Chị Bùi Thị Bình đang học lái xe tại một trung tâm ở quận Hải Châu cho biết: Khi đăng ký học thì trung tâm bảo đảm xe mới, nhưng khi vô thực hành thì xe cũ kỹ đến sợ, chỉ cần ngồi chừng vài chục phút phải thay “ca” vì nóng quá, hơn nữa cần số, ga nặng ì, phụ nữ chúng tôi không biết làm sao. Đã có lần học viên kéo lên giám đốc trung tâm phản đối, thì giám đốc trung tâm phân bua “anh chị em thông cảm, nếu thay một bộ số mới để tập thì mất 18 triệu đồng, chúng tôi đóng cửa mất”, chị Bình kể.

Tuy nhiên, khó khăn nhất mà các học viên gặp phải là khi học và thực hành xe số sàn, nhưng thực tế khi sử dụng xe nhà đa số là xe số tự động. Vì vậy, rất nhiều người lúng túng dẫn đến xảy ra TNGT đáng tiếc. Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã được một nhân viên bán hồ sơ học lái ô-tô nói tỉnh khô: “Lo chi việc đó, khi mua xe, đại lý họ sẽ kèm cho ít bữa là quen ngay” (!?). Về tồn tại này, ông Võ Bá Huân cho rằng các trung tâm dạy xe số sàn là không sai, vì trong giáo trình của Bộ không yêu cầu. Tuy nhiên ông Huân cũng công nhận: “Bản thân tôi từng 26 năm cầm vô-lăng rất nhiều dòng xe, phải nói rằng nếu trung tâm có xe số tự động cho học viên thực tập là tốt hơn. Chính vì vậy, ngoài số xe dùng số sàn, trung tâm đã trang bị thêm một xe số tự động để học viên làm quen”.

Với khá nhiều “lỗ hổng” như vậy, quả thực chất lượng đào tạo lái ô-tô là nỗi lo lớn cho người tham gia giao thông.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.