.

Điểm sáng ở một vùng quê

.
Chúng tôi đến xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang trước vài ngày xã kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (11-11-1981 – 11-11-2011). Những con đường nhựa rợp bóng cờ hoa và khẩu hiệu làm tôi cứ ngỡ như đang đi trong nội thành Đà Nẵng. Chỉ khi bắt gặp những ngọn đồi đất trống đang được khai thác dang dở ở lưng chừng núi, tôi mới giật mình nhận ra là mình đang ở một xã miền núi phía Tây thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Một góc phố khang trang, hiện đại của xã Hòa Ninh.
 
Chị Võ Thị Thanh Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Ninh đón tôi ở một con dốc. Từ con đường ĐT602 rộng thênh thang là những con đường nhựa nhỏ thoai thoải dẫn vào các khu dân cư thấp thoáng những ngôi nhà ngói đỏ san sát. Thôn 5 nằm cách UBND xã Hòa Ninh chừng 4 cây số. Trước khi đi thâm nhập thực tế, chị Mai cho biết, thôn 5 là một khu dân cư điển hình trong việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ở thôn 5 có 95 hộ dân và hiện nằm trong khu quy hoạch công nghệ cao và khu nhà ở chuyên gia nhưng chưa giải tỏa. Trong năm 2011, có 92 hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và đã đạt 85 hộ gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 89%. Điều đáng ngạc nhiên là tại một xã miền núi heo hút như Hòa Ninh lại có thôn hoàn thành các chỉ tiêu xã giao cả năm chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm.

Thôn 5 là một thôn kinh tế mới được hình thành sau năm 1975. Người dân ở đây từ nhiều địa phương khác đến lập nghiệp và chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi và dịch vụ nhỏ. Vậy mà giờ chừ thôn 5 đã đổi thay. Chị Mai cho tôi biết: “Có kết quả như ngày hôm nay là nhờ người dân trong thôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 100% số hộ đều tham gia thực hiện các chỉ tiêu đưa ra, đặc biệt là tích cực đóng góp Quỹ vì người nghèo, thực hiện tốt chủ trương giải tỏa đền bù. Tỷ lệ tham gia sinh hoạt khu dân cư luôn đạt trên 75%. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận thôn hoạt động “đều tay” và “vững chắc”.
 
Tất cả các thông tin, các chỉ tiêu giao cho người dân đều được công khai rộng rãi. Mọi quyền lợi  liên quan đến một hộ dân đều được đưa ra bàn bạc trước dân, mà việc bàn thảo về hỗ trợ xóa nhà tạm là một ví dụ điển hình”. Đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo, thông qua các hội đoàn thể, các hội viên đã góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế, góp vốn quay vòng và vay các kênh với lãi suất ưu đãi, từ đó người dân có điều kiện để chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mục đích phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, thôn 5 không còn hộ nghèo ở nhà tạm, 100% hộ có điện sinh hoạt, 70% hộ có công trình vệ sinh, 95% hộ có ti-vi, 98% hộ có xe máy. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện, hộ khá, giàu tăng lên, hộ nghèo giảm. Các em nhỏ đều được tiêm phòng đầy đủ và 100% em đến lớp đúng độ tuổi.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Nhân dân thôn 5, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Ban nhân dân thôn tổ chức họp từng tổ ký kết giao ước thi đua và đề ra chương trình hoạt động của Mặt trận nhằm tập trung tuyên truyền, vận động có hiệu quả. Từ những nội dung được thảo luận và thống nhất đưa ra, Ban Công tác Mặt trận tổ chức kiểm tra, rà soát và lên kế hoạch thực hiện. “Hằng tháng, chúng tôi tổ chức họp định kỳ để xem xét, đánh giá việc hoạt động trong tháng, đồng thời phổ biến kế hoạch tháng sau, rồi thông báo những văn bản của cấp trên cho toàn thể người dân với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ vậy, số hộ tham gia họp ngày càng đông, nhất là các buổi tiếp xúc cử tri hay học tập các nghị quyết của Đảng và của chính quyền địa phương”, ông Phúc cho biết.

Trong cảm giác hân hoan trước một vùng quê đổi mới, chúng tôi càng vui mừng hơn khi được tin thôn 5 hiện đang được thành phố đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khen thưởng. Rồi mai đây, thôn 5 sẽ nhường chỗ cho một khu công nghệ cao của thành phố, nhưng vẫn mãi trong ký ức của chúng tôi và người dân nơi đây về một thôn 5 văn hóa.

Bài và ảnh: GIA HUY
;
.
.
.
.
.