.

Điểm tựa của làng Hòa Vân

.

Trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, mà còn tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương. Những chiến sĩ quân hàm xanh thực sự là hình ảnh thân thương, là điểm tựa tin cậy của nhân dân...

 

Mô tả ảnh.
Hơn 20 năm qua, anh Vũ Văn Mạc luôn gắn bó với bà con thôn Hòa Vân.

 

Ngược dòng thời gian trở về với làng phong Hòa Vân hơn 30 năm trước, khi mà nơi đây còn mang một cái tên dân gian “Làng cùi”. Hồi đó bệnh phong được coi là căn bệnh “tứ chứng nan y”. Hơn 270 con người lầm lủi sống bên nhau trong sự mặc cảm, tự ti và căn bệnh quái ác cứ đeo đẳng họ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ.

Từ những ngày đầu gian khổ ấy, bằng lương tâm và trách nhiệm của mình, những người lính biên phòng đã bất chấp những đồn đại lây lan của căn bệnh này để ra Hòa Vân giúp đỡ những con người bất hạnh ấy chữa bệnh và tổ chức cuộc sống. Công việc chính của các anh bắt đầu từ việc xóa bỏ mặc cảm, trực tiếp lăn lộn vào cuộc sống thường ngày của người dân, thực hiện “3 cùng” với họ để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, và bồi dưỡng kiến thức về bệnh phong, giúp bà con lao động sản xuất. Sự hòa đồng của cán bộ, chiến sĩ với người dân được thể hiện ngay từ những cử chỉ rất nhỏ như bắt tay, chào hỏi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn bên mâm cơm, lo chạy chữa thuốc men lúc ốm đau...

Thiếu tá Vũ Văn Mạc, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Hòa Vân, Đồn Biên phòng 244, người gắn bó với bà con Hòa Vân trên 20 năm tâm sự: “Bây giờ bà con Hòa Vân coi chúng tôi như ruột thịt, sướng khổ, vui buồn đều có nhau”. Còn bác Nguyễn Văn Xứng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hòa Vân cũng là “cư dân” đầu tiên của làng phong Hòa Vân bộc bạch: Chúng tôi trở thành một cộng đồng dân cư, chủ động xây dựng cuộc sống của mình, xây dựng Hòa Vân là một thôn văn hóa hôm nay có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 mà trực tiếp là anh em ở trạm kiểm soát này.

Được biết từ năm 2008 tới nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 đã huy động trên 500 công ngoài giờ giúp bà con Hòa Vân thu hoạch vụ mùa, đào đắp gần 4.000 mét đường liên thôn. Để giúp bà con yên tâm làm ăn, Đồn chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể quận Liên Chiểu xây dựng 4 tổ tàu thuyền tự quản đánh bắt hải sản an toàn trên biển. Quận hỗ trợ vốn mua sắm tàu thuyền, Bộ đội Biên phòng hỗ trợ phao cứu sinh, thuốc men, ngư cụ và lương thực, thực phẩm.

Mùa biển động, Đồn phân công cán bộ, chiến sĩ cùng ra khơi giúp ngư dân xử lý mọi tình huống bất trắc trên biển. Thực hiện các Chương trình “5 không” và “3 có” của thành phố Đà Nẵng, Đồn Biên phòng 244 quyên góp hàng chục triệu đồng mua tặng làng Hòa Vân hệ thống âm-ly, loa đài; băng cờ, khẩu hiệu; tủ sách và nhiều vật tư khác. Các anh còn hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân thường xuyên tổ chức lực lượng giúp dân tổng dọn vệ sinh môi trường biển... Nhờ vậy, 5 năm liên tục Hòa Vân được công nhận là làng văn hóa kiểu mẫu.

Không riêng gì bà con làng Hòa Vân biết ơn Bộ đội Biên phòng, mà nhân dân quận Liên Chiểu đều cảm phục họ. Mấy năm gần đây nhờ  sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng 244 mà địa phương đã xây dựng được 20 tổ tàu thuyền tự quản đánh bắt hải sản an toàn trên biển, trong đó có 4 tổ với 16 phương tiện đánh bắt xa bờ. Riêng 4 tổ đánh bắt xa bờ được quận trang bị máy Icom nối mạng trực tiếp với Đồn Biên phòng 244, do vậy khi đánh bắt xa bờ, ngư dân thường xuyên thông báo về Đồn tình hình an ninh, trật tự trên biển như phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, tai nạn, cướp bóc trên biển...

Nhờ có hệ thống này, Đồn Biên phòng kịp thời thông báo tình hình thời tiết, gió bão, hướng dẫn tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn và trực tiếp cử lực lượng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn ngư dân khi cần thiết. Trong 2 năm 2010 và 2011, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 đã cứu kéo hơn 200 phương tiện của ngư dân về khu vực tránh trú bão; vận chuyển trên 600 lượt tàu thuyền, ngư cụ và tài sản ngư dân lên vị trí an toàn, tránh sóng biển dâng cao...

Bài và ảnh: QUỲNH NGA

;
.
.
.
.
.