.

Giành sự sống từ tay thủy thần

.
Dòng nước chảy xiết, gầm gào, giật dữ nuốt chửng ba thân hình bé nhỏ, gầy còm vào giữa xoáy, bên trên là tiếng kêu la thảm thiết của người dân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Bàn tay gầy guộc của ông già đã nắm lấy cổ áo Quang, cố gắng giành lại sự sống cho em giữa xoáy nước vào buổi chiều định mệnh ấy...

Mô tả ảnh.
Ông Thanh chỉ xuống nơi vừa tuột tay em Quang để nhờ trợ giúp. (Ảnh chụp chiều 17-10 tại bờ cầu kênh khu vực đường Nguyễn Sinh Sắc).
 
Vài ngày sau khi xảy ra vụ hai em học sinh bị ngã xuống kênh, ông Thanh vẫn chưa hết vẻ mệt mỏi khi chúng tôi đến. Hỏi về chuyện ông dũng cảm băng mình giữa dòng nước xiết cứu hai em bé vào chiều hôm đó, ông chỉ cười hiền: “Có gì đâu cô, ai cũng làm như tôi thôi mà”. Điều mà ông cho là bình thường ấy, không phải ai cũng dám và cũng làm được. Rồi ông kể: “Khi ấy, tôi đang đi bộ về nhà, cách bờ cầu kênh khu vực đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) khoảng 300m thì nghe tiếng kêu cứu của mấy đứa trẻ đang đứng trên bờ.
 
Thấy hai đứa trẻ đang chới với giữa dòng, tôi liền hô hoán, xé áo mưa và nhảy xuống...”. Hôm ấy, trời mưa tầm tã, đường vắng người qua lại, ba con người đang cố sức giành lại sự sống. Ông Thanh, một tay nắm cổ áo hai em Quang và Quyền dìu lên khỏi mặt nước để khỏi ngạt thở và nương theo dòng nước để đưa dần vào bờ. Một mặt, ông hét bảo các em trên bờ dòng dây thả xuống. Lúc ấy, hai bên thành kênh dốc đứng và trơn tuột, không hề có chỗ bám khiến sự sống của cả ba con người mong manh như mành treo trước gió. Mưa. Gió. Tiếng khóc sụt sùi trên bờ... Tiếng chân người chạy đến...
 
Mặc! Ông Thanh vẫn kiên trì chống chọi với dòng nước bởi ông biết chỉ cần ông buông tay, hai sinh mạng sẽ không còn trên cõi đời nữa. Nước chảy ngày một mạnh hơn. Nắm được cổ áo Quang thì nước lại cuốn Quyền đi. Nhưng ông Thanh quyết cứu cho bằng được cả hai em. Một sợi dây được thả xuống, ông đẩy Quang về phía sợi dây và quát: “Bu cho chắc nghe!”. Thằng nhỏ gật gật đầu. Rồi ông đẩy em thứ hai lên sợi dây tiếp theo. Hai đứa trẻ cố gắng nắm thật chặt vào sợi dây. Bỗng nước quật mạnh lên người hai đứa trẻ rớt xuống lại và cuốn cả ba người vào gầm cầu. Vào gầm cầu không có điểm bấu víu, cuộc chiến với dòng nước dữ càng gian nan hơn. Trong giờ phút ấy, ông Thanh chợt nghĩ, mình già rồi, có chết cũng không tiếc, chỉ tội hai đứa còn nhỏ quá. Bất ngờ, ông chụp được một vỏ bao xi-măng lòi ra từ thành cầu. Mừng quá, ông đẩy Quyền đến chỗ vỏ bao và hét: “Nắm chặt lấy!”.
 
2 giờ chiều 17-10, em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận Liên Chiểu) cùng bốn bạn học sinh cùng trường đạp xe ra bờ cầu kênh khu vực đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chơi. Bất ngờ Quang và em Hồ Quyền bị ngã xuống dòng nước. Nhưng may mắn Quyền đã được ông Thanh cứu sống, còn Quang thi thể được tìm thấy ngay sau đó.
Khi ấy, đám đông trên cầu liền hỗ trợ kéo cậu bé lên. Ông Thanh vẫn cố nắm chặt Quang nhưng nước quá mạnh mà ông thì đã đuối sức, nên không thể giữ được cậu bé. Khi được kéo lên trên cầu, ông liền chỉ vào chỗ Quang vừa tuột tay ông trôi xuống cho một anh thanh niên đang đứng gần đó, nhưng anh này liền lẳng lặng quay đi... Đến bây giờ, ông Thanh vẫn hận mình không đủ sức để giữ chặt Quang, hận dòng nước chảy quá xiết đã cuốn đi sinh mạng của một cậu bé.

Sau vụ việc đó, dù còn thấm mệt nhưng ông Thanh vẫn cố gắng đi làm phụ hồ để kiếm sống. Vợ ông, bà Phạm Thị Thương thì đầu tắt mặt tối phụ bán quán ăn được 1 triệu đồng/tháng. Bốn người con của ông, mới chỉ một có gia đình riêng, còn lại vẫn phải sống nhờ bố mẹ. Em Phạm Thị Mai Lý, người con thứ ba của ông vừa đỗ vào Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng nhưng không đi học vì muốn đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi em. Năm nào, cứ Tết đến, gia đình ông cũng được hỗ trợ gạo vì thuộc diện hộ nghèo.
 
Thế nhưng, chẳng bao giờ hàng xóm nghe một tiếng bấc, tiếng chì giữa các thành viên trong gia đình. Ông lại khiến mọi người ngạc nhiên hơn khi từ chối số tiền 1 triệu đồng do lãnh đạo quận đến thăm và tặng sau vụ ông cứu em Quyền. Nhiều người nghĩ ông chơi nổi. Ông Thanh thật thà bày tỏ: “Tui nghĩ nhiều người còn khó khăn hơn, nên muốn địa phương để tiền này hỗ trợ cho họ”. Tôi chỉ nghĩ, có những hành động đâu cần phải có lý do. Và ông đã làm, đã hành động như con người ông vốn vậy, như lúc ông không đắn đo để nhảy xuống dòng nước xiết cứu người!

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.