.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Tránh hành chính hóa hoạt động Công đoàn


Chiều 16-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

Các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề lớn của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; vấn đề tiền lương và tiền lương tối thiểu; hợp đồng lao động; thời giờ làm thêm; thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động; quyền nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu; thời gian nghỉ thai sản.

Vấn đề thời gian nghỉ thai sản và tuổi nghỉ hưu của người lao động được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đa số đại biểu đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.

ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo luật quy định thời gian nghỉ thai sản (Điều 161) từ 5 đến 6 tháng tùy theo điều kiện lao động nặng nhọc hay bình thường là chưa hợp lý. ĐB đặt câu hỏi, tại sao trong thời gian nghỉ thai sản thì phụ nữ không được xét thi đua khen thưởng. ĐB cho rằng vấn đề này là chưa công bằng vì sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ. ĐB đề nghị quy định bổ sung trường hợp nếu trong thời gian nghỉ thai sản mà bà mẹ và em bé bị bệnh thì người cha được nghỉ ít nhất 3 ngày.

Theo ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), về thời gian nghỉ thai sản nên quy định thống nhất chung là 6 tháng, không nên quy định lao động nặng nhọc được nghỉ 6 tháng, lao động khác được nghỉ 5 tháng. ĐB cho rằng, vấn đề nghỉ hưu là quyền lợi của người lao động, nên quy định nữ 55 tuổi được nghỉ hưu như hiện nay là phù hợp thực tế. Nếu có thì chỉ quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nữ giáo sư, tiến sĩ… Theo ĐB, vấn đề tuổi nghỉ hưu của người lao động phải do Quốc hội quyết định, không giao cho Chính phủ vì đây là vấn đề rất lớn.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) lại đề nghị về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cần điều chỉnh tăng lên cho phù hợp với thực tế hiện nay.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc thêm vấn đề tăng thời gian làm thêm, tránh việc bóc lột sức lao động của giới chủ sử dụng lao động. Theo ĐB thì cần giữ nguyên thời giờ làm thêm như quy định pháp luật hiện hành phù hợp hơn. Về nghỉ thai sản cần quy định chung 6 tháng là phù hợp.

Đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến những vấn đề chủ yếu như địa vị pháp lý của Công đoàn; quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của lao động là người nước ngoài; số lượng lao động tối thiểu để thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở; hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp Công đoàn; việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp; cơ chế bảo đảm cán bộ Công đoàn.

Vấn đề mô hình tổ chức Công đoàn, tính hiệu quả trong hoạt động Công đoàn, tài chính Công đoàn được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu một thực tế là khi thu tiền thì có Công đoàn, nhưng khi xảy ra sự việc liên quan đến người lao động lại không thấy Công đoàn ở đâu. Hiện nay, hoạt động Công đoàn rất hạn chế về kinh phí, chủ yếu tranh thủ thủ trưởng cơ quan hỗ trợ tài chính để hoạt động. ĐB đề nghị cần làm rõ hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp Công đoàn, tránh chồng chéo, hành chính hóa hoạt động Công đoàn, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của Công đoàn.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Công đoàn hiện nay. Về quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là người nước ngoài quy định tại điều 5 dự thảo luật, ĐB cho rằng những năm gần đây có tình trạng mối quan hệ lao động giữa người lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động có nơi có lúc chưa tốt, mâu thuẫn xảy ra nhưng chưa có tổ chức Công đoàn đứng ra bảo vệ. Vì vậy, ĐB tán thành việc kết nạp người lao động là người nước ngoài vào tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, do đối tượng lao động là người nước ngoài tại Việt Nam khá đông và cũng phức tạp nên để thuận tiện cho công tác quản lý, ĐB đề nghị luật cần quy định số lượng tối thiểu người lao động là người nước ngoài tham gia tổ chức Công đoàn, đồng thời cần quy định thời hạn hợp đồng lao động ít nhất từ 12 tháng trở lên và phải có giấy phép lao động thì mới được tham gia tổ chức Công đoàn.

Về vấn đề đại diện cho tập thể người lao động ở doanh nghiệp chưa có Công đoàn quy định tại điều 18 dự thảo, ĐB đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn, vì Công đoàn là tổ chức tự nguyện, trong khi tổ chức Công đoàn cơ sở chưa được thành lập, người lao động chưa “tự nguyện” mà coi Công đoàn cấp trên là đại diện cho người lao động là chưa hợp lý. Do đó, để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định sau khi có thỏa thuận của Công đoàn cấp trên với người lao động về tư cách đại diện của Công đoàn cấp trên thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mới có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đối với Công đoàn quy định tại điều 22 dự thảo luật, ĐB cho rằng với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, ĐB rất băn khoăn vì dự thảo luật quy định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động trong doanh nghiệp quá rộng, bao gồm từ quyết định phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho đến phân chia lợi nhuận, hình thành các quỹ, thay đổi hướng đầu tư, thậm chí cả vấn đề doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản. Theo ĐB thì quyền này thuộc về Ban lãnh đạo doanh nghiệp, nếu luật quy định “phải lấy ý kiến tham gia của Công đoàn cùng cấp” nhiều khi sẽ mất cơ hội.

Về vấn đề tài chính Công đoàn quy định tại điều 26 dự án luật, ĐB cho rằng để Công đoàn hoạt động được thì cần phải có kinh phí bảo đảm. Cần khắc phục tình trạng như hiện nay, hầu như các hoạt động của Công đoàn đều phải dựa vào sự hỗ trợ của thủ trưởng về kinh phí. Theo ĐB, khoản 2 điều 26 quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động là hợp lý.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.