.

Khai thác đất đá ở Hòa Nhơn: Dân chịu khổ

.

Gần 20 đơn vị khai thác đất, đá trong phạm vi hơn 400ha tại các thôn Phước Thuận, Phước Hậu xã Hòa Nhơn (Hòa Vang), không chỉ làm môi trường tại đây ô nhiễm nghiêm trọng mà đất canh tác bị bồi lấp với diện tích lớn. Doanh nghiệp nào cũng ăn nên làm ra, trong khi người dân phải gồng mình gánh chịu hậu quả khá nặng nề về đời sống và sản xuất.

 

Mô tả ảnh.
Khai thác đá gây hoang hóa ruộng đồng.

 

Nhiều bài báo đã đề cập đến vấn đề này, song tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hòa Nhơn chưa chuyển biến là mấy. Chỉ có đoạn đường từ quốc lộ 14B vào đầu thôn Phước Thuận đã thảm nhựa, hạn chế phần nào tình cảnh mưa bùn nắng bụi, còn phần lớn không gian vùng này bụi cứ nhờ nhờ như sương. Bụi phủ đầy cây cối, nhà cửa, len vào cả trong giấc ngủ, bữa ăn của mỗi gia đình. Những hộ ở gần mỏ đá, sát đường, khó bề yên ổn bởi tiếng nổ mìn chát chúa và tiếng xe ben tải trọng lớn gầm rú suốt ngày.

Nguy hại hơn, thời gian gần đây, một số hộ phát hiện giếng nước có mùi thuốc mìn, trâu bò gặm cỏ tại khu vực than chảy xuống đã mắc bệnh bất thường. Rồi nữa, 2 nhà máy gạch tuy-nen ngày đêm thi nhau xả khói bụi ra môi trường tự nhiên. Và thế là quanh năm, người dân 2 thôn Phước Thuận, Phước Hậu liên tục bị tra tấn bởi ô nhiễm môi trường và đang đứng trước nguy cơ môi sinh bị xâm hại. Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho biết đã có dấu hiệu một số giếng nước bị nhiễm thuốc mìn. Tình trạng này gây khó khăn cho người dân, bởi Hòa Nhơn chưa có hệ thống cấp nước sạch. Địa phương cũng đã kiểm tra và khuyến cáo những hộ có giếng bị ô nhiễm lấy nước nơi khác về dùng.

Bao đời nay, xóm nhỏ gần chục hộ dân của thôn Phước Hậu sinh sống bình lặng ở mé đồi, sản xuất từ những thửa ruộng của cánh đồng Hố Đều, Kiết Nước phía trước. Đời sống của họ gần như bị đảo lộn kể từ ngày các cơ sở khai thác đá, chế biến than… mở ra cách đó không xa. Ngôi nhà của gia đình ông Bùi Văn Sách cách kho chứa và chế biến than của Công ty Đông Bắc chỉ mấy bước chân và cách cơ sở khai thác, nghiền đá của Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Đức May gần trăm mét. Ông Sách nói rằng ở sát các cơ sở này khổ hết chỗ nói. Ngày nào cũng bị bụi và tiếng ồn tra tấn. Thời gian gần đây, nước thải từ Công ty CP Vinaconex Xuân Mai phía trên xả ra gây hôi thối. Hễ mưa to là nước từ bãi than chảy xuống đen đặc cả một vùng. Đã có 2-3 con bò ăn cỏ tại khu vực đó bị bệnh, giếng nước của nhà ông Lê Trương cũng bị nhiễm nước than.

 

Mô tả ảnh.
Đồng ruộng ở thôn Phước Thuận bị đất đồi bồi lấp.

 

Ngược đoàn xe ben tải trọng lớn chạy như “ma đuổi”, chúng tôi vào khu vực khai thác đất đá sâu trong núi. Đoạn đường chưa nâng cấp lổn nhổn đất đá, bụi bay mù mịt mỗi khi ô-tô chạy qua. Tại đoạn có khá nhiều nhà dân, mấy phụ nữ đi đường phải nép sát lề tránh xe chở đá, mặt cúi gầm che bụi. Một chị bức xúc nói: “Bụi mù trời như rứa mà có ai chịu trách nhiệm đâu, chỉ tội dân ở đây chịu khổ quanh năm. Những ngày mưa còn khổ hơn, đi đường không may gặp xe chở đá, áo quần dính đầy bùn”.

Tìm hiểu về việc khắc phục bụi trên các tuyến đường chở đất đá ở thôn Phước Thuận, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lô, trưởng thôn cho biết một vài năm gần đây, khi địa phương có kiến nghị về tình trạng bụi, các đơn vị khai thác đất đá đã đưa tiền cho các hộ dân sinh sống dọc đường, thời kỳ cao điểm mỗi hộ 170 nghìn đồng/tháng, vào mùa mưa 80 nghìn đồng/tháng. Có tiền, họ chấp nhận sống chung với bụi, chỉ khổ cho người đi đường. Nhưng cũng đáng lo về thực trạng môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

(Còn nữa)  

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.