.

Khoa học xã hội và nhân văn: Phục vụ phát triển thành phố

.

Trên hành trình xây dựng thành phố động lực của khu vực miền Trung, trong những năm qua, ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) đã đảm nhận vai trò quan trọng ở lĩnh  vực tư vấn chính sách cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Đà Nẵng chú trọng phát triển đô thị bền vững.

 

Bằng các kênh khác nhau, KHXHNV đã có những đóng góp trong quá trình chủ động tìm kiếm sự đồng thuận xã hội thông qua hoạch định, thẩm định xã hội  và phản biện chính sách. Giai đoạn 2011 – 2016, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho chương trình KHXHNV với quy mô là một trong sáu chương trình KH-CN trọng điểm của thành phố.

3 năm liên tiếp vừa qua, thành phố Đà Nẵng giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các tiêu chí đạt điểm cao toàn quốc như chính sách lao động, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của pháp luật  là cơ sở  để tham khảo và đánh giá năng lực điều hành kinh tế - xã hội địa phương, nhất là  trong việc hoạch định chính sách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh  thông thoáng,  thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI đã góp phần quảng bá hình ảnh thành phố và tác động đến sự lựa chọn điểm dừng tại Đà Nẵng của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Mới đây, thành phố Đà Nẵng được chọn trao giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường của các nước ASEAN năm 2011 tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Indonesia vào ngày 23-11-2011. Giải thưởng này vừa có ý nghĩa tôn vinh,  ghi nhận thành quả bước đầu của thành phố Đà Nẵng trong quá trình xây dựng trở thành Thành phố môi trường vào năm 2020, vừa góp phần quảng bá điểm đến Đà Nẵng trong cộng đồng thế giới.

Thành quả phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đã được ghi nhận, nhưng để có được những thành quả ấy là cả một quá trình đi tìm sự đồng thuận xã hội thông qua các nghiên cứu của ngành KHXHNV. Đó là những đề án quy hoạch đô thị  tạo ra các dự án cơ hội thu hút đầu tư và góp phần xây dựng môi trường bền vững; đề án cải cách hành chính  nâng cao chất lượng dịch vụ công; đề án xây dựng Thành phố “5 không” và “3 có”, góp phần phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ và tạo ra sự ổn định trong đời sống xã hội; đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhiều nghiên cứu khác liên quan đến việc hoàn thiện môi trường kinh doanh giúp nâng cao chỉ số  PCI.

Trong giai đoạn 2011-2016, chương trình KHXHNV phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cần tập trung vào các hướng nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực đô thị hóa liên quan đến cuộc sống của người dân sau giải tỏa, di dời;  lĩnh vực phát triển dịch vụ và ngành công nghệ cao theo đúng định hướng các ngành kinh tế chiến lược và mũi nhọn của thành phố. Tất nhiên, hướng phát triển của Đà Nẵng cần phải được nghiên cứu trong mối liên kết vùng mà Đà Nẵng sẽ là tâm điểm thu hút của cả khu vực. Do vậy, cũng cần tính đến  các nghiên cứu kinh tế, xã hội do dòng di dân trong khu vực.

Tham gia góp ý vào chương trình này, TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, đề xuất các đề tài nghiên cứu về tác động toàn cầu hóa đối với kinh tế-xã hội thành phố và các đề tài liên quan đến bảo tồn các giá trị văn hóa vùng biển. Trong quá trình phản biện xã hội và hoạch định chính sách, thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò của báo chí là một lực lượng đồng hành, đóng góp đáng kể của ngành KHXHNV vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. 

Đà Nẵng bước đầu đã tạo ra sự khác biệt về môi trường, hạ tầng, chỉ số năng lực cạnh tranh nhưng xét về quy mô kinh tế, để trở thành thành phố động lực, Đà Nẵng cần có những bước phát triển nổi trội hơn nhằm xây dựng một thành phố có chất lượng cuộc sống tốt.

Bài và ảnh: Thu Phương

;
.
.
.
.
.