Cô bé cần mẫn bón từng muổng cháo cho bà cụ, lâu lâu lại hỏi: “Bà ơi, bà có thấy ngon miệng không?”. Từ khóe mắt nhăn nheo của bà cụ ứa ra những giọt lệ: “Ngon lắm con à, chưa bao giờ bà thấy ngon như vậy”...
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng trong chiến dịch “Mùa hè xanh” tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. |
Biết yêu thương...
Nhìn cô gái bé nhỏ Hà Thị Hồng (20 tuổi, sinh viên năm 3, khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đút cho bà cụ Chính ăn trên giường của cụ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, ai cũng cứ tưởng Hồng là cháu gái cụ. “Các bạn ai cũng ngại, vì bà rất khó trong chuyện ăn. Em phải thuyết phục một hồi, sau rồi bà cũng đồng ý. Bà bị ốm nên ăn rất khó nhọc”, Hồng cho biết. Đến muỗng cháo thứ hai thì bà Chính khóc, bà bảo lâu lắm rồi không có ai ân cần với bà đến vậy.
Lúc này thì Hồng không giữ được nữa, nước mắt cứ thế tuôn trào. Hồng bảo, nhìn bà Chính em chợt nhớ bà em ở quê nhà tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hồng hiện là nhóm trưởng nhóm Hand in hand thuộc Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, với 60 thành viên. Hoạt động thường xuyên của nhóm là đến thăm, nấu cháo cho các cụ già và các em nhỏ, quét dọn và làm vệ sinh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Ngoài ra, vào mỗi buổi tối trong tuần (trừ thứ 7), nhóm của Hồng còn tình nguyện đến giúp các em nhỏ ở Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu học bài. “Đi và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, chúng em mới hiểu thêm về giá trị cuộc sống, nghị lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh. Từ chỗ lâu nay chỉ quen được chăm sóc, giờ mỗi đứa đã biết cách quan tâm, chăm sóc người khác, nhất là những người bất hạnh hơn mình”, Hồng chia sẻ.
Còn với bạn Mai Văn Vinh (20 tuổi, sinh viên năm 2, Khoa báo chí, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) - Đội trưởng đội công tác xã hội của Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng thì không sao quên được những buổi giúp dân gặt lúa tại Quảng Nam trong chương trình “Hành hương về nguồn”. Với những “nông dân cày đường nhựa” như Vinh và các bạn, làm quen với việc gặt lúa quả thực rất khó khăn. Không ít lần đường gặt bị hư, rồi lóng ngóng ngã xuống ruộng lúa, mặt ai cũng lấm lem bùn đất nhưng các bạn đều rất vui. Đến trưa, các bác nông dân lại mang cơm, nước dừa cho cả bọn. Hơn 50 thành viên trong nhóm của Vinh còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như: Bán hoa gây quỹ, thăm và giúp đỡ các em nhỏ tại chùa Quang Châu...
Hành trang là lòng nhân ái
Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng hiện có 11 câu lạc bộ học thuật và 4 câu lạc bộ chuyên biệt. Không chỉ trau dồi về tri thức, các câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về cộng đồng như: Phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, giúp dân nạo vét kênh mương, thu hoạch mùa màng, thăm và tặng quà cho người nghèo, trẻ khuyết tật... Đặc biệt, với kinh phí không nhiều, đôi khi phải bán hoa, bán bánh Trung thu để gây quỹ... nhưng các bạn không thiếu bầu nhiệt huyết và một trái tim biết sẻ chia.
Điểm mới trong phong trào hiện nay là Hội cho các câu lạc bộ tự tổ chức các hoạt động tình nguyện, Hội sẽ hỗ trợ kinh phí đi lại và cử cán bộ phụ trách. Điều này nhằm khuyến khích ngày càng nhiều các bạn sinh viên đến gần hơn nữa với các hoạt động vì cộng đồng. Anh Trần Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Mong muốn của Hội là giúp các bạn sinh viên không chỉ mang theo tri thức mà còn là một trái tim nhân ái, biết cảm thông, giúp đỡ người khác để bước vào đời. Mà cách tốt nhất chính là từ những điều các bạn thấy, những việc các bạn đang làm, chứ không phải những buổi giáo dục khô khan. Qua đó, các bạn cũng có thêm nhiều kỹ năng về hòa nhập cộng đồng”.
Những bàn tay đang mở cửa tri thức. Những bàn tay đang mở cửa trái tim... Và thành công sẽ đến với những người dám cống hiến, biết sẻ chia.
Bài và ảnh: KIM NGÂN