.

Nghề nấu tiệc ở quê

.
Trước đây, ở các vùng quê xa, hễ nhà nào có việc lớn cần tổ chức ăn uống đều phải huy động bà con họ hàng hoặc cả xóm đến giúp đỡ. Thế nhưng, với cuộc sống tất bật như ngày nay, nhiều gia đình có công chuyện chỉ cần nhấc điện thoại “alô” một tiếng là dịch vụ đến nấu nướng ngay tại nhà.
 
Mô tả ảnh.
Một đám tiệc ở quê.
 
Anh Lê Quang Minh (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh) kể: “Tôi là con trai trưởng cho nên năm nào cũng phải lo việc làm đám giỗ cho cha mẹ. Hai vợ chồng vừa bận công việc Nhà nước, gặp trúng dịp không được nghỉ phép là khó có thể tự tay lo 5-7 bàn khách mời. Nhờ dịch vụ nấu tiệc đến tận nhà, kể cả việc kê xếp bàn ghế, không cần đụng tay đến. Ăn uống xong xuôi là có người dọn dẹp. Như vậy cũng khỏe, vừa thuận tiện lại vừa tiết kiệm được thời gian cho mình”. 

Nhiều phụ nữ nông thôn không còn cảnh “đầu tắt mặt tối” vào bếp mỗi khi nhà có công chuyện. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (thôn Vân Dương, xã Hòa Liên) cho hay: “Em có con nhỏ nên đâu rứt ra mà làm được. Vừa rồi nhà tổ chức tiệc cưới cho đứa em trai duy nhất, nên thuê dịch vụ nấu ăn tận trung tâm thành phố về. Từ cách trang trí, cách phục vụ đến chất lượng cũng đâu có thua chi nhà hàng. Tổ chức ở nhà mà không phải đụng chân đụng tay, vừa vui, vừa đỡ tốn kém hơn rất nhiều”.

Những người làm dịch vụ này thường dành thời gian đi thăm hỏi bạn bè, người quen để “tìm mối”. Trong túi của họ lúc nào cũng có sẵn vài hộp danh thiếp để phát cho mọi người, nhằm quảng cáo dịch vụ.  Anh Phan Văn Tiến, từng là đầu bếp cho một số quán ăn tại Đà Nẵng, ban đầu từ những mối quan hệ quen biết, hễ có nhà nào cần là anh đến giúp cho vài món khó. Sau dần, anh đổi sang làm dịch vụ này cùng với nhóm người trong nhà. Bất cứ ai gần xa, chỉ cần gọi điện đặt trước là anh chuẩn bị sẵn sàng đến ngày phục vụ. Giá cả có thể thương lượng tùy theo túi tiền của người thuê dịch vụ, nhưng cỡ nào cũng có. Thông thường mỗi mâm tiệc 10 người ở quê chỉ từ 700 ngàn đến hơn 1 triệu đồng là có những món ăn ngon. Hoàn thành một đám tiệc cưới ở quê là anh có trong tay ít nhất vài triệu đồng. Anh Tiến kể, có lúc do cùng một địa chỉ mà có nhiều người đến chào dịch vụ này, cho nên đôi khi họ phá giá.

Hiện nay, tại Đà Nẵng có nhiều trung tâm dạy nấu ăn cho các đối tượng. Hội LHPN thành phố cũng thường xuyên chiêu sinh các lớp dạy nấu ăn, cắm hoa. Một số theo học về phục vụ gia đình, phần đông chị em học xong ra làm tiệc cho các vùng xa trung tâm thành phố, không có điều kiện tổ chức ở các nhà hàng. Đây là dịch vụ tư gia, cho nên khi đảm nhận một tiệc đám nào đó, một người hoặc một nhóm người tự tổ chức khâu thu mua, chế biến và nấu tại nhà mình rồi chở đến nơi đặt tiệc. Tuy gọn ghẽ nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được quan tâm. Dịch vụ nấu ăn lưu động cho các gia đình thường không có giấy phép hành nghề, đa số không qua các lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường nên chỉ trông chờ vào trách nhiệm người làm dịch vụ.

Đời sống người dân nông thôn đang từng bước được nâng lên, nhu cầu được sử dụng các dịch vụ tận nhà sẽ tăng lên. Vì thế trong bối cảnh cạnh tranh, những người làm nghề cần giữ trọng chữ tín cho mình.

Bài và ảnh: Duyên Anh - Phương Anh
;
.
.
.
.
.