.

Người bạn của tuổi thơ

“Tôi sợ nhất là ai đó chê mình già, không chỉ là ngoại hình, mà nhất là nỗi già cỗi của tâm hồn!”, nhạc sĩ Trúc Lam chia sẻ.

 Vui khi làm “cái bục” cho người ta đứng

Quê cha Quảng Ngãi, sinh ra ở Hải Phòng và lớn lên ở Đà Nẵng, từ ngày niên thiếu, cậu bé Trúc Lam đã sớm ấp ủ ước mơ được hát, được đàn, được thả mình trong thứ thanh âm kỳ diệu của âm nhạc. Đặt chân đến Đà Nẵng (từ năm 5 tuổi), Trúc Lam đã tham gia lớp học năng khiếu và biểu diễn ở Nhà Văn hóa thành phố. “Hồi đó, để theo đuổi được giấc mơ âm nhạc thật khó bởi mình sinh ra trong một gia đình công chức, cha mẹ muốn mình theo học ngành y cho ổn định. Thực tế mình cũng có theo một thời gian nhưng rồi đành bỏ dở, vì không mê nổi cái ngành phải động dao động kéo…” - Nhạc sĩ Trúc Lam chia sẻ. Kể từ đó, anh là sinh viên của Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội (năm 1984), là nhạc công của Đoàn ca múa quân khu 5 (năm 1988). Từ năm 1997 đến nay, vì lý do sức khỏe, Trúc Lam nghỉ công tác ở Đoàn và về mở phòng thu tại nhà, chuyên hòa âm phối khí, viết nhạc múa, làm các lễ hội…

Nói về công việc hiện tại của mình, nhạc sĩ Trúc Lam triết lý: “Nghề của mình (chỉ nghề hòa âm phối khí) là nghề làm cái bục cho người ta đứng; người đời thường chỉ để ý đến người đứng và quên mất cái bục. Nhưng chưa bao giờ mình hết tự hào về công việc của một nhạc sĩ hòa âm”. Trong nụ cười tươi rỡ, anh tiếp: “Niềm vui mỗi khi tác phẩm mình phối khí được ghi nhận khó tả lắm, bởi đó là niềm vui chung của cả một êkíp (nhạc sĩ viết lời, nhạc sĩ phối khí, nhạc công, ca sĩ thể hiện và khán giả hưởng ứng), vui chung thì lớn hơn vui riêng em ạ”.

“Duyên” với nhạc thiếu nhi

Nhạc sĩ Trúc Lam không thể nhớ chính xác ở đâu và từ lúc nào mình “bén duyên” với nhạc thiếu nhi, chỉ biết rằng, bao giờ làm việc với một ca khúc thiếu nhi anh cũng thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. “Các em hát như tất cả chỉ để cho mình, hát vì “được hát”, không cầu tiền bạc, sự nổi tiếng, không vì bất kỳ điều gì”. Đó là lý do để nhạc thiếu nhi mãi là niềm cảm hứng, là ưu tiên số 1 của người nhạc sĩ luôn lo sợ cho sự già cỗi của tâm hồn con người. Anh vui khi được các em nhỏ coi mình là bạn, anh hiểu rằng, chỉ khi thực sự là bạn của các em thì người nhạc sĩ mới có thể gắn bó bền lâu với thể loại nhạc dành riêng cho các em. “Những năm tháng gắn bó với Nhà Thiếu nhi thành phố, từng trải những gì hôm nay các em đang trải qua và cho đến hôm nay, khi đã bước sang độ chín của đời người, của sự nghiệp âm nhạc, khi nhìn lại tuổi thơ thì “cái nhìn ấy sẽ thêm đậm đà, trong trẻo”… Anh chiêm nghiệm.

Trong hàng trăm ca khúc nhạc sĩ Trúc Lam phối khí cho thiếu nhi, thì các chương trình phối khí, dàn dựng ca nhạc cho đài truyền hình thành phố luôn chiếm một dung lượng lớn, ngốn hết nhiều thời gian và tâm sức của người nhạc sĩ. Mặc dù khoản thù lao ít ỏi nhưng anh luôn thấy vui vì qua truyền hình, các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, biên cương hải đảo… đều có cơ hội được thưởng thức. Anh tâm niệm, “công việc của mình có tác động rất lớn đến cộng đồng, nhất là các em thiếu nhi, nên không bao giờ được phép sơ sẩy điều gì”. “Thực tế hiện nay, bên cạnh các cơ quan, đoàn thể, nhu cầu tự thu âm, phối khí, làm đĩa nhạc của các gia đình (nhất là gia đình có điều kiện kinh tế) là rất lớn, nhưng không phải ai cũng có trình độ âm nhạc. Không ít phụ huynh đến nhờ phối những ca khúc dành cho người lớn để các bé con thể hiện vì thấy “nó vui mà mình cũng vui”. Với những trường hợp như vậy, mình sẽ giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu và tuyệt đối không làm, dù thù lao có cao đến đâu”, anh dẫn chứng.

Những người bạn của Trúc Lam thường nói vui, “nghe nhạc Trúc Lam phối thì không lẫn vào đâu được, cứ tâng tâng, nhảy nhót thế nào ấy. Hèn gì thấy cứ xoắn xuýt mãi với nhạc thiếu nhi như thế”. Anh cười trong câu chuyện kể khi chia tay chúng tôi.

Ngọc Dung

;
.
.
.
.
.