.

Nhọc nhằn nữ thợ hồ

.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng thu hút hàng nghìn lao động từ các tỉnh, thành khác về làm việc tại hàng loạt dự án ven biển và nhiều công trình nhà ở. Giữa cánh đàn ông “vai u thịt bắp” là những phụ nữ thợ hồ xông xáo, tháo vát không kém.

Mô tả ảnh.
Chị Phượng tháo vát không kém gì đàn ông.

 

“Chồng cày, vợ cấy”

Cánh phụ nữ tham gia các dự án khu nghỉ dưỡng ven biển thường đến từ Thanh Hóa, Nghệ An và không từ chối bất kỳ công việc nặng nhọc nào ở chốn công trường ngổn ngang cát đá, miễn là có thể kiếm thật nhiều tiền gửi về cho gia đình, con cái ngoài quê. Theo chồng đi nhiều công trình ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Mai (43 tuổi), đang làm việc tại dự án Khu nghỉ dưỡng Furama cho hay, vợ chồng chị chấp nhận gửi con lại cho ông bà ngoại, tranh thủ lúc còn sức khỏe để lao động kiếm tiền nuôi con. “Nghề này chỉ làm được một thời gian, mai mốt lớn tuổi, sức yếu không kham nổi phải chuyển qua làm nghề khác”, chị nói. Chị cũng từng làm công nhân ở một nhà máy, nhưng so đi tính lại, thấy nghề xây dựng tuy cực thật nhưng được cái kiếm tiền cũng khá, vậy là chị quyết chí theo đuổi nghiệp phụ hồ.

Chồng làm thợ chính, vợ theo phụ hồ như vợ chồng chị Mai là một “kiểu mẫu” thường gặp ở các công trình lớn. Tại đó, nữ công nhân chiếm số lượng ngang ngửa cánh đàn ông. Họ làm tất tần tật những việc mà mới nghe qua cứ tưởng chỉ dành cho phái mạnh như vận chuyển cát đá, bưng gạch, đẩy xe, dọn dẹp vệ sinh ở khu xây dựng. Mỗi công phụ được tính từ 130 - 150 nghìn đồng và cứ mỗi giờ làm thêm được trả khoảng 20 nghìn đồng. Vào những ngày làm việc hết tốc lực từ 12 - 16 tiếng, những người phụ nữ này có thể kiếm gần 300 nghìn đồng, bõ công khó nhọc. Chưa kể, tranh thủ giờ nghỉ trưa, họ không chợp mắt hay nghỉ lưng chút cho đỡ mệt, mà đi quanh công trình xếp dọn các bao xi-măng, bìa các-tông bọc gạch men… để chở về bán ve chai sau mỗi buổi làm. “Có khi tiền sinh hoạt của hai vợ chồng trông hết vào đó, lương tháng lãnh ra chỉ lo gửi về quê, dành dụm để sau này còn ngẩng mặt với đời”, một chị tâm sự.

Mong trời đừng mưa

Nếu người Thanh Hóa, Nghệ An “phủ sóng” hầu hết các dự án đang xây dựng ở ven biển, thì nữ phụ hồ từ Quảng Nam ra lại chiếm lĩnh rất nhiều công trình nhà dân. Nằm nghỉ trưa cùng một nữ phụ hồ giữa gạch, cát… của một ngôi nhà đã gần xong phần thô trên đường Trường Sa, chị Huỳnh Thị Ngọc Phượng, quê Điện Bàn, Quảng Nam nói vui: “Có chỗ nằm ri là hạnh phúc lắm rồi! Chớ khi công trình mới làm móng, chưa có gì che chắn, mình quây miếng bạt nằm giữa trời nắng chang, phải trùm mặt, mang bao tay kín mít mà nắng vẫn chói rát không chịu nổi”.

Làm cho nhà dân theo nhóm thợ như chị Phượng cực không kém gì làm ở dự án. Theo chị, nhiều bữa phải bê lần lượt hàng chục bao xi-măng đi lên mấy tầng lầu, rồi xúc, trộn, bưng hồ… liên tục. “Lúc mới làm ê ẩm cả người, về ăn không nổi. Nhưng riết rồi quen. Buổi chiều làm xong còn phải tạt vô chợ mua đồ nấu ăn, lo tắm rửa cho con rồi mới nghỉ. Đâu phải như đàn ông xong việc, cất đồ nghề là nhậu nhẹt, nghỉ ngơi thoải mái”, chị Huỳnh Thị Cứ, cùng làm với chị Phượng nói. Nhưng dù là quen, thì ngày ngày họ phải uống đôi ba viên thuốc cho đỡ đau gân, mỏi cốt.

Những tháng mưa, họ giảm thu nhập đáng kể, bởi mỗi tháng chỉ có thể làm cao nhất là hai mươi ngày. “Từ nay cho tới hết tháng Giêng năm sau, tụi tui phải lo làm thêm việc khác. Tháng nắng phải làm cật lực bù cho tháng mưa”, chị Phượng cho hay.

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.