Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò, vị thế của khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) trong sự phát triển của đất nước hiện nay đang bị lu mờ so với các ngành khoa học khác.
Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TÍN |
Trong số trên 2.600 CBCC được tuyển dụng làm việc tại các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố, có đến 1/4 được đào tạo các bậc đại học và thạc sĩ theo chuyên ngành KHXHNV. Trong đó, 2 ngành luật học và luật kinh tế chiếm một tỷ lệ đáng kể. Tuy nhiên, lực lượng chuyên gia, cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực KHXHNV vẫn còn thiếu.
Theo đánh giá của ông Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: “Khi kinh tế đã phát triển đến một mức độ nhất định, xã hội chắc chắn có nhu cầu phát triển KHXHNV, bởi đây chính là cái nôi xuất phát các nghiên cứu về khoa học cơ bản, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn”. Nếu chúng ta tìm hiểu lịch sử khoa học của Hoa Kỳ sẽ thấy thời đại vàng của khoa học xã hội (KHXH) bắt đầu sau chiến tranh thế giới thứ 2 và kinh tế học (kinh tế vi mô và kinh tế tiền tệ) chính là ngành KHXH sớm nhất trong kỷ nguyên hiện đại. Điều này cho thấy sự gắn kết không thể tách rời của KHXH và khoa học tự nhiên. Xét cho cùng, khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ do con người tạo ra và quay lại phục vụ cuộc sống con người, vì thế yếu tố nhân văn vẫn là mục tiêu cần được coi trọng hàng đầu.
Cùng quan điểm này, TS. Phan Ngọc Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn CNH – HĐH, nên việc các em lựa chọn theo học các khối ngành công nghệ, kinh tế, kỹ thuật cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự phát triển KHKT mà không tôn trọng các giá trị KHXHNV thì xã hội sẽ không có được sự phát triển bền vững.
Đà Nẵng đang đặt ra mục tiêu phát triển năng động và bền vững, nhu cầu xã hội đối với ngành KHXHNV chắc chắn không giảm nhưng sẽ ở yêu cầu chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn. Lực lượng CBCC trong ngành này phải đáp ứng được yêu cầu của công tác nghiên cứu khoa học, phân tích thực tiễn, áp dụng các kiến thức KHXH vào giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của thành phố. Xa hơn, Đà Nẵng phấn đấu xây dựng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành có các tác phẩm, công trình KHXH có thể đóng góp cho KHXH trong nước .
Tuy nhiên, có một thực tế là công tác đào tạo nguồn nhân lực KHXHNV của 2 đơn vị đào tạo duy nhất trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, năm 2011-2012, Trường Đại học Duy Tân tuyển sinh không đủ số lượng để mở bất cứ lớp nào của ngành KHXHNV. Ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng có xu hướng đăng ký tuyển sinh giảm dần và không đủ chỉ tiêu mở lớp trong 2 năm nay. Nguyên nhân chính vẫn là do quan niệm xã hội chưa coi trọng các ngành KHXHNV.
Việc sử dụng nguồn nhân lực KHXHNV của thành phố Đà Nẵng thể hiện sự coi trọng đóng góp của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này. Đây chính là tín hiệu khích lệ và tạo niềm tin cho công tác giáo dục-đào tạo đối với lĩnh vực KHXHNV. Các chuyên ngành đào tạo mới về báo chí, văn hóa du lịch, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, giáo dục giới tính của 2 trường Đại học Sư phạm và Đại học Duy Tân đang hứa hẹn sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, kịp thời phục vụ cho việc phát triển văn hóa, giáo dục, ngoại giao và công tác xã hội của thành phố.
Phương Nguyễn