.

Ô nhiễm tiếng ồn ở trường mẫu giáo

.
Trường mẫu giáo (MG) Hoa Ngọc Lan (quận Cẩm Lệ) có 3 cơ sở thì có đến 2 cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động, nhất là cơ sở 3 ở số nhà 1092 đường Trường Chinh. Do trường chỉ cách đường sắt Thống Nhất hơn 10 mét, nên mỗi ngày cô và trò phải chịu cả chục lần tiếng ồn đinh tai nhức óc do những đoàn tàu chạy qua.
 
Mô tả ảnh.
Để hạn chế tiếng ồn và bụi từ đường Lê Trọng Tấn, Trường MG tư thục Thanh Thanh chỉ biết che kín mặt tiền của trường.
 
Theo những giáo viên ở đây cho biết, do trường nằm quá gần đường sắt nên mỗi lần có tàu chạy qua, âm thanh dội vào trường to đến mức át tất cả âm thanh của cô và trò. Dù thời gian mỗi lần đoàn tàu chạy qua rất ngắn, chừng 30 giây, thế nhưng cứ mỗi lần như vậy, phải mất cả chục phút để ổn định lại lớp học. Tuy nhiên, điều các cô giáo sợ nhất chính là tàu lửa chạy qua đúng giờ ngủ trưa của các cháu. Không ít trường hợp đang ngủ ngon lành thì tàu lửa chạy qua, các cháu khóc thét lên và không chịu ngủ nữa, khiến cô giáo rất vất vả.

Trong khi đó, cơ sở 1 nằm trên đường Lê Trọng Tấn - con đường dẫn vào mỏ đá Hòa Phát, nên cũng bị tiếng ồn từ những đoàn xe tải nặng lấn át mọi âm thanh trong trường. Những người dân sống gần khu vực trường cho biết, vào mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng thì trường MG phải hứng chịu cả bụi lẫn tiếng ồn từ hàng trăm lượt xe tải hoạt động. Hằng ngày, các loại xe tải lớn nối đuôi nhau chạy trên con đường này, cứ vô tư tăng ga, bóp còi bất kể thời điểm nào. Trên đường Lê Trọng Tấn còn có Trường MG tư thục Thanh Thanh cũng chịu cảnh như Trường MG Hoa Ngọc Lan (cơ sở 1).
 
Để hạn chế bớt ảnh hưởng từ tiếng ồn, cả 2 trường chỉ có thể bố trí khu vực dành cho học sinh lùi vào trong và đưa các bộ phận gián tiếp khác như văn phòng trường, phòng Ban giám hiệu... ra phía trước chịu tiếng ồn “thay thế” cho học sinh. Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, giải pháp này đem lại kết quả rất hạn chế do trường nằm ngay mặt tiền của tuyến đường này nên ô nhiễm tiếng ồn gần như thường trực tại đây.

Không phải chịu âm thanh vượt quá mức cho phép như các trường MG ở vùng ngoại ô, nhưng các trường học ở khu vực trung tâm thành phố lại gặp nhiều khó khăn trước sự “tấn công” của những âm thanh dội vào trường học, nhất là các trường có diện tích nhỏ, lại nằm ở khu vực dân cư đông đúc. Để hạn chế bớt tiếng ồn từ bên ngoài, các trường chủ yếu xây tường rào thật cao, hoặc lắp cửa kính cho các phòng học, vì thế khiến cho không gian trong phòng học khá bức bí.

Theo quy định tại Thông tư số 39 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 15-2-2011, trường học được xếp vào nhóm đặc biệt với mức từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày thì các âm thanh khu vực này không được vượt quá 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ không quá 45dBA) và Nghị định 117 của Chính phủ cũng nêu cụ thể mức xử phạt về vi phạm tiếng ồn vượt mức cho phép với mức thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Thế nhưng trên thực tế, cả trường học lẫn người gây tiếng ồn vượt mức cho phép chẳng mấy ai quan tâm. Đây có thể nói là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các trường MG “gồng mình” lên chịu đựng tiếng ồn và các tổ chức, cá nhân lại vô tư gây tiếng ồn.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.