.
Quận Thanh Khê:

“Lấy sức dân chăm lo cho dân”

.
Trong công tác vận động quần chúng, nhiều người nghĩ ngay đến vai trò của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành địa phương. Thế nhưng, nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong dân vận lại chính là nhân dân. Thực tiễn ở quận Thanh Khê trong thời gian qua cho thấy, chính người dân là những điển hình trong công tác vận động quần chúng và chính quyền, Mặt trận quận cũng đã khéo léo thực hiện nhiều cuộc vận động dựa trên phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”.

Mô tả ảnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vĩnh Trung bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.
 
Theo chị Huỳnh Thị Thu An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Chính, quận Thanh Khê, trong thời gian qua, người dân trên địa bàn phường đã tham gia khá tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mặt trận phường đã đứng ra vận động nhân dân cùng chung tay đóng góp để thực hiện công tác từ thiện trên tinh thần tương trợ lẫn nhau và “Quỹ 24 giờ” của phường Tân Chính ra đời xuất phát từ ý nghĩa cao đẹp đó. “Một số người có khả năng về kinh tế đã đứng ra vận động đóng góp xây dựng “Quỹ 24 giờ”. Quỹ này được lập ra để giúp bất cứ ai cần tiền gấp nhưng không xoay xở được, chẳng hạn như: cần tiền đóng học phí cho con, trả viện phí, lo chuyện tang, chuyện cưới hỏi…
 
Những người nào khó khăn có thể vay một khoản tiền nhất định từ quỹ này mà không phải trả lãi. Nhờ có “Quỹ 24 giờ” mà nhiều gia đình đã nhận được sự trợ giúp kịp thời”, chị Thu An cho biết. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn phường, Mặt trận cũng đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ triển khai các mô hình hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân tham gia như “Hũ gạo tình thương”, nuôi heo đất tiết kiệm. Chính nhân dân tự nguyện gom góp, tiết kiệm và dùng số tiền quyên góp được trợ giúp lẫn nhau. Và hiệu quả từ những việc làm như hỗ trợ sửa chữa nhà, làm mới công trình vệ sinh, tặng phương tiện sinh kế... là minh chứng để Mặt trận có thể tiếp tục vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và những người dân trong cộng đồng cùng chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội.

Ở phường Chính Gián, chuyện “lấy sức dân chăm lo cho dân” còn thể hiện ở việc người dân tham gia cùng chính quyền, Mặt trận trong việc bình chọn hộ nghèo để trợ giúp. “Đối với các trường hợp nghèo cần giúp đỡ, chúng tôi đều đưa ra trước dân để mọi người trực tiếp góp ý, biểu quyết chọn hay không. Vì nếu như gia đình nào có người thường xuyên rượu chè, không lo làm ăn, dính vào tệ nạn xã hội... thì nhân dân sẽ không ủng hộ. Ngược lại, đối với những gia đình thật sự khó khăn, khi nhận sự trợ giúp của chính quyền, Mặt trận thì họ rất phấn khởi và xem đó như là nền tảng để vươn lên thoát nghèo”, anh Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián cho biết.

Những năm qua, cùng với chuyện chung tay giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhiều gia đình ở quận Thanh Khê còn tham gia tích cực vào việc giữ gìn môi trường sống tại các khu dân cư. Anh Ngô Chính Công, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê cho biết thêm: “Trong công tác an sinh xã hội, Mặt trận phường không chỉ chú trọng đến việc giúp dân thoát nghèo mà còn quan tâm đến việc tạo lập một môi trường sống an bình cho cộng đồng dân cư. Nếu giúp dân thoát nghèo nhưng nơi họ sống lại không an toàn, mất an ninh trật tự, trộm cắp xảy ra thường xuyên thì rõ ràng lòng dân sẽ không yên và họ sẽ không an tâm làm ăn sinh sống”.
 
Xuất phát từ quan điểm này, Mặt trận các phường trên địa bàn quận Thanh Khê đã đẩy mạnh việc vận động nhân dân xây dựng mô hình tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Đơn cử như tại tổ 62 và tổ 64 phường An Khê, Ban công tác Mặt trận khu dân cư đã sáng tạo ra mô hình “Tiếng còi báo động” nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, một số nơi ở An Khê, Ban công tác Mặt trận khu dân cư cũng đã thành lập đội dân phòng tự quản. Họ được trang bị đầy đủ các phương tiện để tự vệ, tuần tra, canh gác và kinh phí đều do chính nhân dân đóng góp.

Có thể nhận thấy, ở Thanh Khê, việc huy động sức dân để lo cho dân thể hiện trên nhiều mặt hoạt động và ý thức đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng dân cư đã dần hình thành, đi sâu vào nếp sống của nhiều gia đình. Nhân dân đã nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền và họ thể hiện thông qua việc chung tay giúp đỡ người nghèo, cùng với chính quyền giữ gìn an ninh trật tự xã hội, vệ sinh môi trường trong khu dân cư, hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đóng góp các loại quỹ, nhất là quỹ Vì người nghèo...
 
Điều đáng nói là người dân đã dần không còn thờ ơ mà hưởng ứng rất nhiệt tình các cuộc vận động, các phong trào thi đua do chính quyền và Mặt trận địa phương phát động. Một số người dân còn trở thành những gương điển hình tiên tiến trong việc kêu gọi bà con, hàng xóm chung tay góp sức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với chính quyền và Mặt trận quận Thanh Khê, đây chính là lợi thế để họ dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, đoàn kết các thành phần dân cư cùng hướng đến mục tiêu xây dựng quận văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: HÀ AN
;
.
.
.
.
.