.

Quy định rõ trách nhiệm người phát hành, làm nội dung, người có hàng hóa quảng cáo

.

(ĐNĐT) - Ngày 4-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Cần Thơ.

 

ĐB Thân Đức Nam phát biểu tại buổi thảo luận
ĐB Thân Đức Nam phát biểu tại buổi thảo luận

 

Phát biểu thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các kênh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số đã quảng cáo rất nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, không đúng với nội dung quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng nên cử tri rất bất bình, báo chí đã đưa tin nhiều. Tuy nhiên, các loại hàng hóa đó vẫn tiếp tục được quảng cáo, không thấy bị xử lý.

Do đó, ĐB đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm của người phát hành quảng cáo, của người làm nội dung quảng cáo, của người có hàng hóa quảng cáo cũng như chế tài xử lý vi phạm các đối tượng này. Theo ĐB, hầu hết các điều luật quy định tại chương này đều có câu “Bồi thường thiệt hại và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” quá chung chung, rất khó triển khai thực hiện, cần quy định cụ thể hơn.

Về quảng cáo trên điện thoại di động, ĐB cho rằng, thời gian qua, rất nhiều người sử dụng điện thoại di động cảm thấy khó chịu, bực mình khi nhận được các tin nhắn rác, kể cả các tin nhắn được gửi từ các tổng đài của nhà mạng. Người dùng điện thoại di động phải mất thời gian nhắn tin từ chối quảng cáo, đôi lúc mất tiền oan đối với những loại tin nhắn này.
 

Trong khi đó, điều 9 dự thảo Luật quy định “Các tổ chức, cá nhân quảng cáo, ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đến các phương tiện này khi có sự đồng ý trước đó của người nhận”, ĐB cho rằng, quy định như vậy chưa ổn, cần quy định theo hướng cấm không được quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, trong đó có điện thoại di động, kể cả nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông.

Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời (Điều 40, 41), ĐB đề nghị phải quy định cụ thể trong luật vấn đề công khai quy hoạch quảng cáo trên từng địa bàn, tổ chức đấu giá từng khu quy hoạch quảng cáo, đặc biệt là đối với những vị trí thuận lợi, đem lại hiệu quả cao về mặt quảng cáo như những khu đô thị lớn, các khu đô thị mới, đường cao tốc, cầu, các nút giao thông lớn, những điểm nhấn về du lịch của từng địa phương... Có như vậy mới tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp làm quảng cáo, hạn chế tối đa những tiêu cực phát sinh trong việc cấp phép quảng cáo, nhất là ở những địa điểm nhạy cảm, có giá trị sinh lợi cao về hiệu quả quảng cáo.

Đề nghị giao Bộ TT-TT quản lý quảng cáo

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, đối với vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, điều 6 dự thảo luật giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ĐB nhất trí với giải trình của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nhưng đề nghị nên giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT)  thực hiện chức năng này, vì thực tế có đến khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, hệ thống đài phát thanh, truyền hình, internet, các phương tiện truyền dẫn phát sóng, xuất bản phẩm… do Bộ TT-TT quản lý. Trong khi đó, ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời như quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn…

Về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo đối với một số loại hàng hóa đặc biệt quy định tại điều 21 dự thảo luật, ĐB đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm quy định về thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, nhất là đối với các loại sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Riêng đối với quy định về quảng cáo trên thuốc lá hút, ĐB đề nghị cho thực hiện theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

 

Bày tỏ sự đồng tình, ĐB Đinh Thế Huynh (Hòa Bình) cũng cho rằng, vì 80% quảng cáo hiện nay thực hiện qua báo chí, do vậy giao thẩm quyền quản lý lĩnh vực quảng cáo cho Bộ VHTTDL sợ không phù hợp, vì Bộ được giao thẩm quyền thì không được quản lý báo chí. ĐB cho rằng, việc giao cho Bộ nào quản lý quảng cáo cần đúng thẩm quyền và đạt được hiệu quả.

Đề nghị chưa nên thông qua Luật Giáo dục đại học.

Tham gia thảo luận những vấn đề lớn của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) như cơ cấu hệ thống GDĐH, phân tầng cơ sở GDĐH, quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở GDĐH, xã hội hóa GDĐH, chất lượng GDĐH, quản lý nhà nước về GDĐH…, các vị  ĐBQH có khá nhiều quan điểm khác nhau.

ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý trong các trường đại học. Về việc mở ngành mới trong các trường đại học, ĐB đề nghị nên giao cho trường đại học chứ Bộ không nên làm việc này. Tuy nhiên, đối với các trường thành lập mới thì trong 3 năm đầu muốn mở ngành mới phải xin phép Bộ. Về phân tầng giáo dục, ĐB cho rằng nếu dùng thuật ngữ “phân tầng” thì dễ dẫn đến hiểu là có trường đào tạo chất lượng cao, có trường đào tạo chất lượng thấp. Do đó, ĐB đề nghị không nên quy định việc phân tầng trong Luật GDĐH.

Tuy nhiên, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) đề nghị phải phân tầng cơ sở giáo dục đại học chứ không thể đánh đồng được.

ĐB Đinh Thế Huynh (Hòa Bình) cho rằng về giáo dục, Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục. Cần xác định rõ chủ trương, quan điểm và giải pháp thực hiện vấn đề này. Chính vì vậy, việc ban hành luật vào thời điểm hiện nay đã chín muồi chưa, đã cân nhắc kỹ mọi vấn đề chưa? Giữa đại học tư thục và đại học công lập, ĐB cho rằng có tình trạng nhiều trường đại học tư thục không tuyển được sinh viên dù đã hạ đến mức thấp nhất điểm đỗ mà cũng không đủ sinh viên vào học. Mô hình trường đại học tư thục hiện nay như một công ty, người góp phần vốn lớn có quyền quyết định tất cả. ĐB đề nghị chưa nên thông qua Luật GDĐH.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.