Sau 3 năm thực hiện (2008-2011), Dự án “Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho người khuyết tật”, gọi tắt là Dự án sinh kế cho người khuyết tật (NKT), tiến hành ở Hòa Vang, Liên Chiểu và Thanh Khê, đã đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Người mù học vi tính. |
Dự án do Tổ chức Save the Children (Cứu trợ Trẻ em) tài trợ. Mục tiêu của Dự án là làm tăng khả năng tiếp cận của NKT với việc làm; tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc hỗ trợ cơ hội việc làm cho NKT. Dự án được thực hiện bằng nhiều hình thức như hỗ trợ phương tiện làm ăn, tiền vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, bồi dưỡng kỹ năng hòa nhập cho NKT...
Tùy theo khả năng thực tế của từng trường hợp, Dự án sẽ đào tạo nghề cho NKT bằng hình thức học tập trung, hoặc được cán bộ Dự án và người chăm sóc (NCS) hướng dẫn trực tiếp tại nhà. Sau khi học nghề xong, NKT được Ban điều hành Dự án giới thiệu với các nhà tuyển dụng hoặc được Dự án hỗ trợ vốn, phương tiện để mở cơ sở hành nghề. Theo đó, đến nay đã có hơn 2.000 NKT được học nghề, được học cách mở các cơ sở sản xuất-kinh doanh nhỏ và học cả kỹ năng xin việc.
65 NKT và NCS được vay vốn từ các chương trình tín dụng, 154 NKT đã được tuyển dụng vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp và 545 NKT đã mở cơ sở sản xuất-kinh doanh, tạo được việc làm và thu nhập ổn định. Một trường hợp điển hình là thông qua sự hỗ trợ kinh phí từ Dự án, Công ty TNHH May Tâm Thiện ở quận Sơn Trà phát triển hoạt động kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 NKT.
Đặc biệt, đã có nhiều cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được tập huấn nhận thức về NKT, từ đó, họ đã có những chuyển biến về cách đánh giá đối với khả năng của NKT, như Công ty One Dana ở quận Liên Chiểu đã nhận anh Phạm Tấn Trung-một thanh niên cụt cả hai tay vào làm nhân viên văn phòng, chuyên tác nghiệp trên vi tính, và từ khi được tuyển dụng, anh Trung đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vượt qua mặc cảm khuyết tật của mình (anh Trung dùng hai mõm cụt của hai tay để thao tác thành thạo trên máy vi tính).
Những năm qua, Dự án đã vận động 520 NKT tham gia hoạt động trong 15 nhóm tự lực. Trong mỗi nhóm tự lực, các thành viên tích cực chia sẻ, tương trợ, động viên nhau vượt khó vươn lên, trong đó có 111 thành viên nòng cốt có kỹ năng quản lý và tư vấn đồng cảnh để duy trì hoạt động của các nhóm. Bên cạnh đó, Dự án đã làm nhiều phóng sự về các gương điển hình làm kinh tế giỏi của NKT ở Đà Nẵng, tổ chức hàng chục buổi tọa đàm, đặc biệt là cuộc thi viết thông điệp về NKT, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó, tuyên truyền vận động toàn xã hội có cái nhìn đúng đắn về khả năng của NKT, theo tinh thần: “Đừng nhìn vào khuyết tật của chúng tôi mà hãy nhìn vào khả năng làm việc của chúng tôi”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM