Học đại học để rồi đi làm công nhân, hoặc học một đằng làm một nẻo đang là một thực tế với hàng ngàn bạn trẻ ở thành phố Đà Nẵng. Tình trạng lãng phí chất xám đang đến hồi báo động!
Học đại học để rồi đi làm công nhân, hoặc học một đằng làm một nẻo đang là một thực tế với hàng ngàn bạn trẻ ở thành phố Đà Nẵng. Tình trạng lãng phí chất xám đang đến hồi báo động! |
“Giấc mơ đại học”
Sức học cũng chỉ tầm tầm, nhưng Vũ Thị Kim Ngân (24 tuổi, ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) vẫn cố kiếm một tấm bằng đại học. Nhà Ngân cũng thuộc diện khó khăn. Ba về hưu mất sức, mẹ chạy chợ kiếm từng đồng nuôi 3 anh em Ngân ăn học. Ngân tâm sự: “Nhiều lúc thấy mẹ khổ quá, em phải cố đua theo bạn bè để vào đại học (ĐH) nhằm nuôi ước mơ đổi đời.
Với lại, có bằng cấp cao, người ta cũng nhìn mình bằng con mắt khác hơn”. Vậy là, Ngân cũng cố chen chân vào khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Duy Tân. Bỏ qua những lo toan cơm áo, 4 năm trên ghế giảng đường, rồi Ngân cũng tốt nghiệp ĐH. Thế nhưng, ước mơ rất đẹp đó đã bị thực tế phũ phàng dập tắt khi Ngân ra trường chạy mỏi chân mà không nơi nào nhận. “Nơi thì người ta bảo thiếu kinh nghiệm, nơi bảo thiếu kỹ năng. Ở đâu họ cũng lắc đầu”, Ngân thở dài. Cuối cùng cô bạn đành xin vào làm công nhân tại Công ty điện tử Foster (khu công nghiệp Hòa Cầm) với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Còn Trần Thị Như An (23 tuổi, ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) thì “Bạn em đứa nào cũng vào ĐH, không trường công thì trường tư, nên em cũng phải cố. Bây giờ mà không có bằng ĐH thì lạc hậu lắm, không khéo còn bị chúng bạn coi thường. Với lại ba mẹ nói cứ kiếm tấm bằng rồi sẽ lo “chạy” việc cho em”, An chia sẻ. Gia đình khá giả và chiều con gái nên việc học của An cũng không gặp trở ngại gì. Tốt nghiệp ngành Việt Nam học của Trường Đại học Đông Á nhưng An lại được ba mẹ xin được một chân nhân viên văn phòng của một công ty lớn, với mức lương khá hậu hĩnh. Cái bằng Việt Nam học sau nhiều năm mới có, An đành cất vào tủ làm... kỷ niệm và để được tiếng là có trình độ đại học!!
“Giấc mơ đại học” đang khiến cả xã hội, từ những người nghèo chạy ăn từng bữa đến nhà giàu nứt đố đổ vách cũng đua nhau kiếm tấm bằng ĐH bằng mọi giá. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều trường ĐH, CĐ nở rộ như nấm sau mưa, tạo nên một nguồn nhân lực kém chất lượng và bí đầu ra.
Thừa thầy, thiếu thợ
Việc phải có tấm bằng ĐH dường như vẫn là “sự lựa chọn hoàn hảo” cho nhiều người mà không căn cứ vào năng lực thực tế, sở thích và nhu cầu xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ ngày càng trầm trọng, đồng thời gây sự lãng phí lớn trong việc đào tạo. Anh Lê Duy Lương, Giám đốc phụ trách nhân sự của Công ty điện tử Foster cho biết, trong tổng số 7.500 công nhân đang làm việc tại công ty thì có hơn 1.000 người là có bằng ĐH, CĐ và trung cấp. Có lẽ hình ảnh các cô tú, cậu tú trở thành công nhân, thậm chí chạy bàn trong quán ăn ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi số lao động đòi hỏi có tay nghề cao thì các công ty vẫn đỏ mắt tìm không ra.
Trong rất nhiều phiên giao dịch do Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức, nhiều công ty rao tuyển hàng trăm thợ cơ khí, nhưng số người nộp đơn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Hoàng Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Cơ khí ô-tô và thiết bị điện Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) than thở: “Lương thợ cơ khí hiện nay khá cao, chế độ đãi ngộ cũng nhiều. Một thợ giỏi có mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện nay rất khó, dù chúng tôi đã lên sàn giao dịch, thậm chí đặt hàng với các trường nghề, vì ngành này không hút học sinh”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ