Bên cạnh nỗi sợ các “hung thần” xe ben, nay người đi đường còn thêm mối lo va quệt với các xe taxi chạy bạt mạng giành khách. Trong khi chờ lắp đặt hộp đen để theo dõi hoạt động của cánh tài xế, các hãng taxi vẫn phải lấy việc giáo dục ý thức là chính.
Taxi chạy đúng phần đường quy định, không lấn, vượt tuyến là mong đợi của những người tham gia giao thông. |
Vượt ẩu, ép xe và cãi cọ
Đang chạy ngon trớn trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn cách ngã ba Huế chừng 500m), chị Trần Thị Ngọc (trú ở đường Đặng Dung, quận Liên Chiểu) phải gấp gáp tấp vào lề vì bị một taxi giành đường. Sau chị Ngọc, nhiều người đi đường khác hốt hoảng không kém với cách chạy bạt mạng, lạng lách của taxi trên. Cũng bởi bức xúc lối chạy hàm hồ của taxi A. trên đường Lê Độ, chị Đinh Thùy Vy (nhân viên Công ty TNHH Khôi Nguyên) phải chạy lên nói với vào taxi đang hạ cửa kính: “Chạy chi ghê rứa?”. Không nhân nhượng, tài xế hằm hè: “Chạy răng mà lạ bà?”…
Việc tài xế taxi phóng nhanh vượt ẩu, bấm còi “bim bim” hối thúc, đôi co, cự cãi với người đi đường đã trở thành chuyện thường ngày. Theo chị Vy, có hôm chị ngồi xe taxi chở con 4 tháng tuổi từ đường Ngô Văn Sở đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám bệnh, tài xế đang lái, nghe điện thoại khách quen liền chạy rất nhanh, thắng gấp mấy lần ở các đoạn ngã tư làm chị hoảng vía. Dù chị đề nghị: “Cho xe chạy chậm thôi anh ơi”, tài xế này vẫn im lặng để… đi theo cách của mình. Chưa hết, anh Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà kể, khi taxi M. chở anh từ sân bay Đà Nẵng đến đường 2 tháng 9, một taxi của hãng V. cứ theo chạy song song để thỏa thuận về việc đổi khách, vì khách trên xe này muốn đi Gia Lai mà hãng V. không được phép chở đi xa. “Như vậy vừa phiền vừa rất nguy hiểm”, anh Lộc nói.
Giám đốc một hãng taxi lớn tại Đà Nẵng thừa nhận, khi nghe tổng đài tung điểm đón khách, các taxi ở rất xa điểm đón cũng vội vàng nhấn ga chạy lấy khách. Ông chia sẻ: “Chạy ẩu vừa hạ uy tín thương hiệu, gây phản cảm, vừa làm thiệt hại tài sản của công ty là một trong những vấn nạn nhức nhối, làm đau đầu hầu hết những nhà cầm quân taxi ở Đà Nẵng hiện nay”.
Vẫn chưa quản lý nổi
“Chúng tôi phải đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt như: cấm giành khách của người tới trước, sắp tài tập trung để lần lượt đón khách chứ không được đi tắt…, tuy nhiên khi ra đường, tài xế là “giám đốc”, mình không thể quản hết được, chuyện tranh giành khách, gây va quệt, giành đường của người đi xe máy… vẫn hay xảy ra”, vị giám đốc trên nói. Theo ông Phạm Thế Vỹ, Phó Tổng Giám đốc phát triển vận tải Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung bộ, vì chưa thể quản lý được tài xế khi họ ở ngoài đường, việc giáo dục ý thức thông qua đào tạo, huấn luyện tại chỗ là điều hết sức cần thiết.
Tại đây, mỗi đợt tuyển tài xế khoảng 30 người đều phải qua khóa đào tạo tối thiểu 1 tháng. Trong đó, ngoài đào tạo tay lái, văn hóa ứng xử…, còn có môn chuyên về xử lý tai nạn. Họ quay lại các clip, phân tích tình huống gây tai nạn, những lỗi taxi hay mắc phải khi lấn tuyến, giành đường, vượt ẩu tranh khách… để các tài xế rút kinh nghiệm. Ngoài ra, nơi này còn có đội ngũ 6 thanh tra mặc thường phục chia nhau đi các con đường để phát hiện và xử lý “rát” những trường hợp phóng nhanh, lấn tuyến như trên.
Ông Võ Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho hay, việc đào tạo lái xe có cách ứng xử hợp lý khi tham gia giao thông luôn được các hãng taxi coi trọng và Hiệp hội thường họp để nhắc nhở, chấn chỉnh. “Khi các hộp đen được lắp đặt, chúng tôi sẽ quản lý được điểm đỗ của taxi và chỉ định rõ taxi nào đón khách nào, giúp hạn chế triệt để nạn phóng nhanh giành khách”, ông Vỹ cho biết. Ngoài ra, việc đặt hệ thống ghi âm ở các máy tổng đài là cách các hãng dùng để quản lý việc trả lời phản ánh của khách hàng, người đi đường về hành vi phóng nhanh, giành đường.
Bài và ảnh: HẰNG VANG