.

Thiếu bảo hộ lao động cho công nhân

.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 23 vụ tai nạn lao động, trong đó có 10 vụ tai nạn lao động làm 10 người chết, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
 
Mô tả ảnh.
Nhiều công nhân không có trang bị BHLĐ khi làm việc.
 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình này là do công tác an toàn lao động tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của người sử dụng lao động và người lao động chưa cao. Đặc biệt là việc trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ) cho công nhân còn thiếu ở nhiều khâu.

Sau thời gian khá dài chấn chỉnh, trang thiết bị BHLĐ cho người lao động được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà thầu tự do vẫn còn lơ là đối với BHLĐ. Bên cạnh đó, chất lượng của các thiết bị BHLĐ cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Ông Nguyễn Hồ Quang Vinh, kỹ sư giám sát Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Kỹ Việt cho biết, hiện có rất nhiều thiết bị BHLĐ như dây an toàn, mũ BHLĐ, mặt nạ lọc bụi, ủng chống xăng dầu... được bán trôi nổi trên thị trường không bảo đảm chất lượng là một trong những tác nhân gây thêm nguy hiểm khi người lao động gặp tai nạn.

Kết quả điều tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng vừa và nhỏ của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng 84% người lao động trên các công trường xây dựng là lao động nông nhàn. Trong đó, trên 90% chưa qua huấn luyện an toàn lao động. Chính vì vậy, xây dựng dân dụng, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông là lĩnh vực thường xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất. Chỉ có các công trình xây dựng lớn do Nhà nước quản lý hoặc do nhà thầu nước ngoài làm giám sát xây dựng thì công nhân mới bắt buộc có BHLĐ, còn những công trình nhỏ do nhà thầu tư nhân đảm nhận thì có đến 90% công nhân không có BHLĐ.
 
Nếu có là do  công nhân tự bỏ tiền túi ra trang bị BHLĐ, còn nhà thầu thì tránh được chừng nào hay chừng đó. Điều đáng nói là, phần nhiều công nhân vẫn chưa được chủ thầu ký hợp đồng lao động, nộp bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn... Bên cạnh đó, không ít công nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động, nên dù được trang bị phương tiện BHLĐ, nhưng nhiều người cũng không sử dụng. Anh Lê Mạnh Hùng, một công nhân xây dựng cho biết, mặc dù được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân như mũ, giày ba-ta, khẩu trang… nhưng rất ít khi anh sử dụng vì… không quen, thấy khó chịu.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động chết người, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát lại công tác AT-VSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về AT-VSLĐ; tổ chức thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật AT-VSLĐ liên quan đến máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.