.

Thoát nghèo nhờ bộ đội

.
Hơn 2 năm về trước, 18 hộ dân diện đặc biệt nghèo ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu được mời đến nhận phương tiện sinh kế do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trao tặng.
 
Mô tả ảnh.
Cơ quan Quân sự quận Cẩm Lệ tặng bò cho hộ nghèo. Ảnh: PHƯỚC VINH
 
Tùy vào gia cảnh và khả năng lao động, có người được nhận chiếc xe nước mía, người xe bánh mì, hay có hộ là cặp heo, con bò. Với anh Nguyễn Xuân Hòa và chị Đặng Thị Xuân Lan, món quà đặc biệt đó là chiếc thúng và  6 tay lưới ba trị giá hơn 5 triệu đồng. Đã 3 đời gắn với nghề biển, thế nhưng  gia đình có đến  6 miệng ăn này chỉ trông cậy vào chiếc thúng nhỏ nhoi, cuộc sống túng bấn quanh năm. Từ khi ngư lưới cụ được nâng cấp, những chuyến đi biển trở nên hiệu quả hơn, thu nhập từ chỗ bấp bênh được chăng hay chớ, nay mỗi ngày 2 chuyến biển anh Hòa kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng, cộng với khoản tiền lao công của chị Lan cho một doanh nghiệp, nhờ vậy đời sống gia đình đã dần ổn định, con cái có điều kiện ăn học, ngôi nhà nhỏ giờ đã ấm cúng hơn trong niềm vui hòa thuận.
 
Chị Lan cho biết: Từ ngày được bộ đội giúp cho tấm lưới thì làm ăn cũng khá hơn, cuộc sống cũng thoáng hơn trước, cái nghèo bớt đi, chừ thì có thể nở mày nở mặt với bà con lối xóm. Bà Lê Thị Huệ có hoàn cảnh mẹ góa con côi, nhiều năm nay luôn chật vật với 3 miệng ăn. Đốn củi, đốt than là nghề chính của bà, nhưng đã bị nghiêm cấm từ lâu, vì thế cái nghèo thường xuyên đeo bám mẹ con bà. Từ khi bộ đội tặng chiếc xe nước mía đến nay, bà đã tìm được cơ hội vươn lên thoát nghèo. Cần mẫn, chắt chiu, tích góp từng đồng, ngày nắng to thì 100 ngàn đồng, ngày thưa khách thì cũng vài chục nghìn đồng. Cái ăn, cái mặc, sự học hành của con cái tất cả đều nhờ vào xe nước mía.   

Cũng thật khó tin với nhiều người, bởi làm sao những người nghèo có thể khá hơn với những sinh kế thô sơ ấy. Thế nhưng, với cách tổ chức làm ăn phù hợp, các phương tiện sinh kế đơn giản ấy đã thực sự phát huy tác dụng. Bà Huỳnh Thị Thêm, một phụ nữ đơn thân, đặc biệt khó khăn, khi nhận được chiếc xe nước mía trong tay đã thực sự coi đó là  chiếc phao cứu sinh của đời bà. Với thu nhập trên dưới 70 nghìn đồng mỗi ngày, người phụ nữ bị bệnh tim mãn tính này có thể trang trải cuộc sống  cho 2 mẹ con mà khỏi phải lo cảnh thiếu trước hụt sau. Mừng nhất là gia đình bà đã xóa được 2 chữ “đặc biệt” trong ba chữ “đặc biệt nghèo”, và bà tin tưởng rằng, nhất định với sự giúp đỡ của bộ đội, bà sẽ xóa nốt chữ “nghèo” bấy lâu nay gắn với cuộc đời mình. Bà Thêm cho biết: Cho tôi 4 triệu bạc thì tôi ăn cũng hết, còn cho xe nước mía thì gia đình tôi được đổi đời, mai sau có già yếu thì cũng bám vào nó để kiếm sống.

Cách làm của những người lính thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố thực sự giúp người nghèo bằng cách tạo sinh kế cho họ làm ăn, phù hợp với sức khỏe và điều kiện của từng người, để tìm ra lối thoát nghèo bền vững nhất. Như trường hợp ông Nguyễn Tấn Bảy ở thôn Hòa Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, có sẵn đất rộng và cỏ trong vườn, từ con bò bộ đội tặng, tận dụng nguồn phân và sức kéo, ông cải tạo lại kinh tế vườn theo mô hình tổng hợp, cuộc sống gia đình cũng từ đó dần được cải thiện. Còn ông Hồ Hòa - một bệnh nhân phong ở Làng Vân hoàn toàn không còn khả năng lao động, thế nhưng nhờ con bò bộ đội giúp cho hai năm về trước,  ông có thêm việc làm phù hợp với sức khỏe.     
   
Bằng cách làm linh động, hiểu dân, sát dân, những người lính đã giúp các hộ gia đình bước qua những mặc cảm, tự ti về cái nghèo để tổ chức lại cuộc sống. Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, trong số 18 hộ đặc biệt nghèo được hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm ăn thì sau hai năm đã có 13 hộ phát huy hiệu quả, không chỉ có việc làm thường xuyên mà thu nhập ngày càng ổn định. Điều hạnh phúc nhất của người lính là từ chương trình này, nhiều gia đình đã tự chủ về kinh tế, mạnh dạn, tự tin đăng ký thoát nghèo vĩnh viễn... Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc đời họ đã có những thay đổi lớn lao. Vẫn biết cuộc mưu sinh phía trước sẽ còn lắm  gian khó, nhưng họ đã không hề đơn độc trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đến nay, số tiền hỗ trợ sinh kế, phương tiện làm ăn cho người nghèo của LLVT thành phố đã lên đến hơn 400 triệu đồng, từ sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ. Với cách làm hiệu quả như trên, năm 2011, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã tiếp tục nhận đỡ đầu và tổ chức trao phương tiện sinh kế cho 20 hộ nghèo nữa trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện Chỉ thị số 24 của Thành ủy Đà Nẵng về việc tạo cho người dân cơ hội thoát nghèo.

NHƯ Ý
;
.
.
.
.
.