.
Vận động giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo:

Cần quan tâm chất lượng

.
Một trong những vấn đề làm “đau đầu” các địa phương khi triển khai việc vận động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo (ĐBN) theo tinh thần Chỉ thị 24-CT/TU vươn lên trong cuộc sống, chính là chất lượng dân số... Vì vậy, cần xem xét một cách toàn diện vấn đề này để có chính sách bền vững hơn.

Mô tả ảnh.
Cần có những giải pháp hữu hiệu trong giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo nhằm nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh có tính minh họa)
 
Một trong những hộ ĐBN đã nhận sự hỗ trợ rất lớn nhằm giải quyết những khó khăn trong cuộc sống ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà là gia đình anh D.V.N. Cùng với việc được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các khoản hỗ trợ khác, nhưng gia đình anh vẫn chưa có phương án làm ăn đạt hiệu quả. Bên cạnh nguyên nhân là cả 2 anh em ruột đều khuyết tật, thì hiện nay tổng số nhân khẩu đã lên đến 7 người; trong đó có 3 cháu nhỏ. Những lao động chính trong gia đình đều lúng túng với việc sinh kế.
 
Họ chủ yếu vẫn loay hoay với việc vặt để giải quyết các bữa ăn hằng ngày trong gia đình, chưa dám nói tới chuyện bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các thành viên, nhất là trẻ em trong việc ăn uống, học hành, sinh hoạt... Ông Nguyễn Minh Quế, Chủ tịch UBND phường An Hải Đông cho hay, đây chính là những khó khăn chủ yếu trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ để các hộ ĐBN thoát nghèo hiện nay. Nhiều gia đình đã được hỗ trợ nhưng vẫn không có phương án làm ăn hiệu quả do không có đủ khả năng về sức khỏe, không đủ tự tin...

Còn theo ông Ngô Quang Phúc, Bí thư Quận ủy Sơn Trà, trên địa bàn quận còn hơn 400 người có biểu hiện tâm thần và thiểu năng trí tuệ. Nhiều người trong số này nằm trong diện hộ ĐBN, chính vì thế việc hỗ trợ vốn không thể mang lại hiệu quả thiết thực do năng lực thụ động, kể cả ỷ lại nên họ không biết xoay xở với đồng vốn như thế nào; khi có đồng tiền thì họ chỉ biết dùng vào chi tiêu hằng ngày chứ không tạo vốn làm ăn lâu dài. Đây chính là vướng mắc lớn trong triển khai giải quyết hộ ĐBN hiện nay ở hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố.

Vì thế, đối với các hộ ĐBN, các địa phương đã có sự khảo sát, phân loại ngay từ đầu; trong đó các hộ ĐBN không còn khả năng lao động do già yếu, ốm đau, bệnh tật... được đưa ra khỏi hộ ĐBN và đưa vào diện cứu tế, trợ cấp thường xuyên. Thế nhưng, đối với người thiểu năng trí tuệ, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng, rất khó xác định mức độ nên không thể đưa vào diện trợ cấp thường xuyên được nên còn vướng mắc trong giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ.

Trong khi đó, một “vấn nạn” nữa đối với hộ ĐBN, chính là việc tồn tại các hộ ĐBN có đông nhân khẩu. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Hòa Vang, hộ ĐBN chưa thoát ra khỏi chương trình có số nhân khẩu từ 6 người/hộ trở lên chiếm tỷ lệ 16,9%. Trong đó, có rất nhiều phụ nữ đơn thân (mất chồng, ly hôn hoặc không có chồng). Từ đó, giải quyết việc làm hoặc hỗ trợ để tăng thu nhập là rất khó khăn. Như trường hợp gia đình bà Đ.T.L. ở xã Hòa Tiến có 6 nhân khẩu nhưng thu nhập bình quân hằng tháng của cả hộ chỉ 1,6 triệu đồng; hộ bà T.T.M. ở xã Hòa Phước có 7 nhân khẩu nhưng tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ 2,1 triệu đồng... Điều đáng lo ngại, là một số hộ ĐBN hoặc nghèo và cận nghèo chưa ý thức đầy đủ về sự liên quan giữa dân số và chất lượng dân số; cụ thể là việc sinh con nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, việc làm, mức sống, sức khỏe... của gia đình mình.

Chính vì vậy, trong việc vận động thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU đối với các hộ ĐBN, cần quan tâm hơn nữa đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; có sự quan tâm, theo dõi để phân loại cụ thể nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu đối với từng trường hợp. Đồng thời, có giải quyết được những vấn đề liên quan đến hộ ĐBN hiện nay, thì chất lượng dân số mới được nâng lên một cách bền vững hơn; từ đó có nền tảng cho việc ngăn chặn tình trạng nghèo đói trong thời gian tới. 

Bài và ảnh: ANH QUÂN
;
.
.
.
.
.