.

Việc nhiều, lao động vẫn thất nghiệp?

.
Hàng trăm đơn vị rao tuyển hàng chục ngàn lao động. Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức “Chợ việc làm”, cho vay vốn, thậm chí “mời gọi” lao động đi học nghề rồi giới thiệu việc làm với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Thế nhưng, nhiều lao động vẫn ngoảnh mặt, thậm chí học một thời gian rồi bỏ...

Mô tả ảnh.
Nhiều nữ lao động học nghề may và tìm được việc tại Trung tâm giới thiệu việc làm phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
 
“Kén cá chọn canh...”

Cô gái Nguyễn Thúy Vy năm nay mới 25 tuổi, quê ở huyện Hòa Vang, đã tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng loay hoay hết từ Chợ việc làm đến Sàn giao dịch, rồi qua sự giới thiệu của bạn bè… nhưng vẫn chưa tìm được việc phù hợp. “Đi đâu người ta cũng bảo thiếu kinh nghiệm, rồi thì thiếu kỹ năng. Nơi chịu nhận thì trả lương bèo quá vì bảo là lương thử việc. Thôi đành ở nhà!”, Vy nói với vẻ bất cần. Không cho mình một cơ hội để thử sức và tích lũy kinh nghiệm, khá nhiều bạn trẻ như Vy vẫn đang lông bông với mơ mộng một công việc thật ngon lành, một con đường trải bằng hoa hồng cho bõ những năm tháng miệt mài đèn sách...

Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố vừa qua, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã than thở rằng: Ở nhiều nơi, nhiều lúc, nói không quá rằng chính quyền còn lo lao động thất nghiệp hơn chính bản thân họ. Nhiều nơi cán bộ Sở phải đi dò tìm, rồi rà soát những đối tượng thất nghiệp, nhất là trong diện di dời giải tỏa để đào tạo nghề và giới thiệu họ vào làm ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhưng được một thời gian rồi... bỏ. Hỏi tại sao thì họ cho biết: Lương không cao như em tưởng!? Rồi học hành vất vả quá... Một thời gian sau lại thấy la cà quán xá, lại rơi vào diện thất nghiệp.  Do đó, để tạo việc làm ổn định cho người lao động, phải có sự hợp tác từ nhiều phía, chứ không thể chỉ có một bên cố gắng là được.
 
Cần phát triển mạnh làng nghề
 
Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp triển khai tích cực Đề án “Có việc làm” như: Nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm; tổ chức chợ việc làm... Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm cũng được đẩy mạnh. Hơn 1.500 lao động thuộc diện di dời giải tỏa, mất đất sản xuất được vay gần 9 tỷ đồng để làm ăn, phát triển sản xuất. Hơn 300 lao động cũng đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản. Tuy nhiên, cung vẫn chưa đủ cầu ở lĩnh vực này. Chỉ tính riêng huyện Hòa Vang hiện nay đã có hơn 20 ngàn lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc. Con số này sẽ còn tăng với áp lực của quá trình đô thị hóa, di dời, giải tỏa. Còn ở quận Ngũ Hành Sơn, việc thu hồi hơn 2.000ha đất với gần 5.000 hộ dân di dời thì việc chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm luôn là vấn đề “nóng” được các cấp, ngành quan tâm.

Để tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng hơn đến việc phát triển làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề và nghề tiểu thủ công nghiệp của Đà Nẵng đều thuộc các nhóm hàng có nhu cầu lớn của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Như sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã trở nên nổi tiếng trong nước và hiện đã được tiêu thụ tại Mỹ, Pháp, Úc, Đài Loan, Hồng Kông... Sản phẩm tơ lụa được xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp qua thị trường Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Úc, Nhật Bản, Thái Lan... Hàng mây tre lá được xuất sang các nước Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hồng Kông và các nước khác ở châu Âu... Sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn tuy mới phát triển gần đây nhưng đã có vị trí khá vững chắc trên thị trường và là một mặt hàng có khả năng phát triển và mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Quá trình đô thị hóa sẽ tác động mạnh đến việc hình thành các điểm nghề tiểu thủ công nghiệp và tất yếu dẫn đến sự phân công lại lao động ở nông thôn cũng như ở các khu vực đô thị mới, tạo điều kiện tốt cho hoạt động của các làng nghề và các nghề tiểu thủ công nghiệp của thành phố phát triển. Qua đó góp phần giải quyết bài toán việc làm cho người dân.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
;
.
.
.
.
.