.

Vietnam Airlines tuyển phi công dỏm?

.

Ngày 3-11, Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines (VNA) đã có thông tin chính thức về sự việc liên quan đến chuyến bay số hiệu VN970 của VNA gặp trục trặc khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Gimhae (Busan, Hàn Quốc).

 

Trước đó, báo chí Hàn Quốc đưa tin về sự cố hạ cánh của chuyến bay và nghi ngờ phi công Kim Tae Hun (quốc tịch Hàn Quốc) tham gia chuyến bay VN970 khai man kinh nghiệm giờ bay.

Thông tin từ Cục Hàng không cho biết ngày 2-11, VNA đã báo cáo sự việc lên cục. Theo đó, khi hạ cánh xuống sân bay Busan, cơ phó Kim Tae Hun đã điều khiển máy bay. Khi thấy tình trạng máy bay hạ cánh không ổn định, cơ trưởng chuyến bay đã giành lại quyền điều khiển máy bay.

Vì vậy, phía cơ quan chức năng Hàn Quốc yêu cầu làm rõ việc VNA có cho phép cơ phó điều khiển máy bay khi hạ cánh và cơ trưởng có được giành lại quyền điều khiển hay không. Tuy nhiên theo quy chế của VNA, cơ phó được giao quyền điều khiển máy bay khi hạ cánh và trường hợp máy bay không ổn định thì cơ trưởng được giành lại quyền điều khiển máy bay. Theo báo cáo của VNA, phi công Kim Tae Hun đã bỏ việc ở VNA từ tháng 8-2011.

Liên quan đến thông tin báo chí Hàn Quốc cho rằng phi công Kim Tae Hun chỉ có kinh nghiệm một giờ bay máy bay A320 nhưng đã khai man với VNA là có kinh nghiệm 680 giờ bay, ông Lại Xuân Thanh - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết Cục Hàng không đã kiểm tra sơ bộ chứng chỉ của phi công Kim Tae Hun nhưng chưa phát hiện sai phạm.

Cục Hàng không đã xác minh hồ sơ còn lưu trữ của phi công này cho thấy có chứng nhận kinh nghiệm 680 giờ bay. Tuy nhiên, trước thông tin của dư luận, Cục Hàng không sẽ phối hợp với nhà chức trách hàng không Indonesia (nơi cấp bằng lái cho phi công Kim Tae Hun) cũng như hãng hàng không mà phi công từng làm việc trước khi về VNA để xác minh thời gian bay thực tế mà ông Kim Tae Hun có được.

Ông Lại Xuân Thanh cho biết dù chưa xác minh được nhưng nếu phi công gian lận, khai man về chứng chỉ thì đây là hành vi nghiêm trọng có thể bị truy cứu hình sự. Chuyến bay mang số hiệu VN970 cất cánh từ TP.HCM ngày 25-4-2011 và tới sân bay quốc tế Gimhae ngày 26-4-2011 khai thác bằng máy bay Airbus A321 với 154 hành khách.

Sau lần tiếp cận hạ cánh đầu tiên không thành công, cơ trưởng chuyến bay Vương Văn Mỹ đã thực hiện hạ cánh an toàn ở lần tiếp cận thứ hai. Hệ thống quản lý an toàn phân tích dữ liệu bay sau chuyến bay của VNA đã phân tích và phát hiện sự việc này.

Sau khi sự việc xảy ra, VNA đã yêu cầu tổ lái chuyến bay cung cấp tài liệu chứng minh kinh nghiệm và giờ bay thực tế. Riêng ông Kim Tae Hun xin phép quay trở lại hãng hàng không ở Indonesia, nơi ông công tác trước đây, để bổ sung các xác nhận liên quan và không quay trở lại. Toàn bộ sự việc nói trên đã được VNA báo cáo nhà chức trách hàng không Hàn Quốc và Việt Nam theo đúng quy định.

Cũng theo VNA, sân bay quốc tế Gimhae đã được hãng này đưa vào danh mục sân bay khó mức độ B trong tài liệu hướng dẫn khai thác bay xét về cả địa hình và phương thức tiếp cận hạ cánh. Theo đó, người chỉ huy máy bay phải tìm hiểu về sân bay trước khi thực hiện chuyến bay đến sân bay này. VNA đã giảng bình an toàn bay để phân tích rút kinh nghiệm và cảnh báo tất cả tổ bay khi bay tới Busan.

Hãng cũng yêu cầu toàn bộ phi công thực hiện lại bài huấn luyện trong buồng lái giả định và ôn lại lý thuyết theo các tài liệu phương thức khai thác tiêu chuẩn cũng như tài liệu hướng dẫn khai thác bay. Bản thân tổ lái chuyến bay này cũng đã thực hiện lại về lý thuyết và buồng lái giả định.

Theo một lãnh đạo Cục Hàng không, hiện nay đội ngũ phi công nước ngoài mà VNA tuyển dụng là những người có kinh nghiệm bay để có thể điều khiển được máy bay ngay.

Theo đó, ngoài bằng lái máy bay thương mại do nơi đào tạo cấp, phi công phải có đủ giờ bay theo yêu cầu của hãng và được giáo viên kiểm tra thực tế trên loại máy bay phi công đó muốn lái. Khi đáp ứng được yêu cầu, hãng sẽ trình lên Cục Hàng không để cục kiểm tra, cấp chứng chỉ khi đạt yêu cầu rồi mới được điều khiển máy bay. Ngoài những phi công người Việt, hiện nay VNA có khoảng 150 phi công nước ngoài.

 

Để thông tin rõ hơn sự việc này, chúng tôi giới thiệu lại bản tin trên báo Hàn Quốc Chosun Ilbo:

Phi công không bằng lái máy bay Việt Nam suýt bị rơi

Ngày 26-4, người phi công này đã lái máy bay A320 chở 160 vợ chồng người Hàn Quốc đi du lịch tân hôn xuất phát từ TP.HCM hướng tới sân bay Gimhae. Khi hạ cánh, máy bay đã không đi vào đường bay bình thường.

Sau đó phải tiếp tục cất và hạ cánh. Lúc đó trên máy bay có một lái phụ người Hàn Quốc không có bằng, lái chính là người Hàn Quốc nhưng thời điểm hạ cánh không rõ ai lái. Người phi công không có bằng họ Kim, 36 tuổi. Anh ta lấy bằng lái máy bay ở một nước Đông Nam Á.

Hãng Hàng không Việt Nam cho biết theo điều tra vào hồi tháng 4, phi công họ Kim đưa lý lịch lái máy bay giả chứ không phải thật. Và ông ta cũng chưa từng lái giờ nào trước đó. Phán đoán cho rằng phi công này đã lừa đảo kinh nghiệm, có thể coi đó là hành vi phạm tội nghiêm trọng.

Người phát ngôn của Bộ Lãnh thổ hải dương đất đai Hàn Quốc cho biết đang trong quá trình xác nhận đâu là sự thật. “Bởi vì Kim là người lái máy bay của nước ngoài, do hãng của nước đó tuyển dụng và được chính phủ nước đó công nhận nên điều tra rất khó bởi đây không thuộc phận sự của người Hàn Quốc”.

 

Tuổi Trẻ
;
.
.
.
.
.