.

10 sự kiện nổi bật Việt Nam năm 2011

.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong cùng một ngày, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông, tái cơ cấu nền kinh tế… là những sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2011 do TTXVN bình chọn.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 12 đến 19-1, tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI

Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 thành viên.

2. Bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay
 

Ngày 22-5, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

3. Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển

Ngày 11-10, tại Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan.

Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6-2011, Trung Quốc có một số hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

4. Kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế

Với việc thực hiện các quyết sách của Đảng và Nhà nước - ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 18,12% năm 2011, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm ước đạt 5,8%.

Tại Hội nghị lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 6 đến 10-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

5. Chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước

Trước bất ổn chính trị ở Libya, từ 23-2 đến ngày 4-4, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn. Phần lớn lao động trở về thông qua cầu hàng không qui mô lớn nhất từ trước đến nay.

6. Đưa vào hoạt động hầm vượt sông đầu tiên

Ngày 20-11, hầm Thủ Thiêm - công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe - và toàn bộ Đại lộ Đông-Tây được chính thức thông xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

7. Di sản Thành nhà Hồ và Hát Xoan được UNESCO tôn vinh

Ngày 27-6, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa thế giới.

Tiếp đó, ngày 24-11, tại Bali (Indonesia), UNESCO thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. Như vậy, đến nay Việt Nam có 16 di sản được UNESCO công nhận, ghi danh.

8. Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 26

Tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam giành 288 huy chương; trong đó có 96 huy chương vàng, xếp thứ 3 chung cuộc. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam không giành được huy chương tại giải đấu này, gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.

9. Dịch bệnh tay chân miệng lan rộng

Năm 2011, bệnh tay chân miệng lan rộng tại tất cả 63 tỉnh, thành cả nước với trên 90.000 ca mắc, hơn 150 người tử vong, phần lớn là trẻ em, tăng cao so với năm 2010, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và gây lo ngại trong xã hội.

10. Lũ lụt nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Do tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 10 đến đầu tháng 11-2011, tại Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt lũ lớn nhất trong một thập kỷ qua, làm 85 người chết, tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 4.000 tỷ đồng.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.