.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2011- 2020

Thu hẹp khoảng cách lệnh giới tính

.

Một trong 11 mục tiêu lớn về công tác Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020, là phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ lệ giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các quận nội thành, tiến tới đưa tỷ số này ở mức 105-109 bé trai/100 bé gái sau năm 2020.

Chênh lệch giới tính là nỗi lo của toàn xã hội trong tương lai. (Ảnh mang tính minh họa)
Chênh lệch giới tính là nỗi lo của toàn xã hội trong tương lai. (Ảnh mang tính minh họa)

Thực tế đáng lo ngại

Chị Nguyễn Thị Hồng L. nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh, làm nghề buôn bán tự do. Chồng chị làm trong doanh nghiệp nước ngoài. Cuộc sống gia đình khá giả nên với chị L. việc sinh nhiều con không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Muốn nhà “có nếp, có tẻ” nên sau khi sinh hai đứa con trai, năm 2011 chị L. tiếp tục mang thai để sinh đứa con thứ 3. “Vợ chồng tôi ước có thêm đứa thứ 3 là con gái, tuy vậy đứa thứ 3 cũng là con trai. Cũng hơi buồn, nhưng biết đâu lần sinh tới lại ra con gái thì hay biết mấy” - chị L. tâm sự.

Anh Ngô Trần Long N. trú quận Thanh Khê lại có hoàn cảnh trái ngược với chị L. Hiện tại gia đình anh đã có 2 con gái, nhưng bị áp lực phải sinh con trai để  nối dõi tông đường. Dù cuộc sống không lấy gì làm dư dả, nhưng để chiều lòng cha mẹ, nên anh phải làm theo… Trên đây là những trường hợp cụ thể trong việc chọn sinh con theo giới tính mà không bị ràng buộc như những công chức Nhà nước.

Mặc dù những cộng tác viên dân số thường xuyên đến tận nơi tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh thai, không sinh con thứ 3,... thế nhưng, có không ít trường hợp vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và việc sinh con trai để nối dõi đang tồn tại trong một bộ phận nhân dân. Có trường hợp chồng làm công chức Nhà nước nhưng vợ phải “biệt phái” đi xa để tìm cách sinh thêm con. Vì vậy, không chỉ chênh lệch giới tính đang diễn ra khá nhanh mà việc tăng dân số ở nước ta cũng được đánh giá là tăng theo cấp số nhân.

Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, hiện tỷ lệ chênh lệnh giới tính  năm 2011 tại Đà Nẵng là 109 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên khoảng cách số lượng nam/nữ đang có xu hướng tăng dần qua từng năm, nhất là ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu. Theo dự báo, tỷ lệ lệch giới tính đến năm 2015 của thành phố là 109 bé trai/100 bé gái.

Thu hẹp tỷ lệ giới tính

Mặc dù chưa đến mức báo động đỏ, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố cho biết, nếu để tình trạng mất cân bằng giới tính diễn ra mạnh mà không ngăn chặn bằng các biện pháp, chế tài kịp thời, thì mục tiêu chiến lược khống chế tỷ lệ 105-109 bé trai/100 bé gái vào giai đoạn 2011-2020 sẽ khó đạt được. Do vậy, để sớm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2011-2015, ngành Y tế phải phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai những biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Nhất là tuyên truyền về sự khó khăn trong việc lập gia đình cho các thế hệ sau khi chênh lệch giới tính diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định như: Siêu âm để lựa chọn giới tính khi mang thai, nạo phá thai khi phát hiện là giới tính nữ. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đảng viên, công nhân, viên chức sinh con thứ 3 trở lên. Đặc biệt là cố sinh con trai.

Riêng đối với các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thì tuyên truyền về mất cân bằng giới tính phải đi đôi với việc hỗ trợ máy móc và tổ chức tư vấn trực tiếp cho bà con, để họ nâng cao nhận thức, tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ. Qua đó, hạn chế sự ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.