Ngày chị quyết định trao gửi cuộc đời mình cho anh, bà con hàng xóm ai cũng xầm xì. Người thương chậc lưỡi: Cũng tội nghiệp. Kẻ ác mồm thì bảo: Người ta lành lặn còn chẳng ăn ai, mày lại đi lấy một thằng què, rồi thì làm được gì. Bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, đám cưới giản dị mà hạnh phúc của họ đã diễn ra...
Vợ chồng anh Ngọc và niềm hạnh phúc bên con gái nhỏ. |
Những năm tháng cắp sách đến trường, cậu bé Dương Văn Ngọc (tổ 13, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nuôi ước mơ sẽ trở thành thầy giáo. Thế nhưng, năm 18 tuổi, một lần đang đi trên đường, Ngọc bỗng khuỵu xuống và từ đó trở đi, cậu không thể đứng thẳng bằng đôi chân của mình được nữa. Bác sĩ bảo Ngọc bị bệnh viêm đa khớp, nếu được đưa ra nước ngoài chữa trị sẽ có nhiều hy vọng. Ngày ấy, ba mất sớm, một mình mẹ gánh gồng chạy ăn từng bữa thì tiền đâu chữa bệnh.
Cái chất độc da cam quái ác mà Ngọc bị nhiễm từ ba đã dập tắt mọi ước mơ, hoài bão của chàng trai trẻ. Rồi người bạn gái mà anh yêu thương cũng đã chia tay anh, bởi: “Em không đủ tự tin để chấp nhận...”. Ngọc chỉ cười buồn chua chát. Nhốt mình trong nhà với những mặc cảm tự ty mình là kẻ vô dụng. Cho đến một ngày, vô tình anh đọc được bài báo về tấm gương vượt khó vươn lên của một cô gái khuyết tật giờ đã là chủ doanh nghiệp, Ngọc thấy xấu hổ với chính mình. Từ biệt mẹ, anh quyết tâm vào Sài Gòn kiếm sống, để mong đỡ gánh nặng cho mẹ.
Gần 10 năm ở nơi đất khách, ngày Ngọc đi bán vé số, tối về gia công hàng. Rồi chàng trai còn mua bán chai bao, mua tất cả những gì có thể dùng được như quạt, ti-vi cũ về sửa lại bán cho dân lao động. Vậy là, cứ đều đặn hằng tháng, anh gửi tiền khi thì dăm trăm, lúc cả triệu đồng về đỡ đần cho mẹ nuôi em. Cuộc sống cũng tạm ổn cho đến năm 2006, anh nhận được tin mẹ mất. Sau khi về thọ tang mẹ, Ngọc đã quyết định ở lại Đà Nẵng để sinh sống. Vậy là, ở chợ An Cư, ngày ngày, người ta lại thấy một chàng trai ngồi trên chiếc xe lăn bán vé số, đổi gas bên chiếc quầy di động.
Có những lúc bán ế, không có tiền, Ngọc phải ăn mì tôm cầm hơi. Rồi dần dần khách quen, đến mua nhiều nên cuộc sống cũng tạm ổn. Bỗng một ngày, chị bán hoa quả ngồi cạnh rủ rỉ vào tai anh: “Con bé bán hàng ở bên kia nó thương mày”. Anh ngỡ ngàng bởi đã từ lâu rồi, anh không dám nghĩ tới hạnh phúc cho riêng mình nữa. Anh năm nay đã gần 40 mà cô bé ấy chỉ mới 25 tuổi, ngây thơ, trong sáng và chân thật. Ngọn lửa tình yêu cứ âm ỉ trong anh tưởng đã ngủ quên chợt bùng lên mãnh liệt. Lấy cớ đi đổi gas, sửa giày dép, rồi những khi... chẳng có lý do gì, Trần Thị Trâm cũng đến quầy của anh.
Ban đầu chỉ là những câu chuyện trò vu vơ, thời gian cứ trôi, tình cảm đã sâu nặng tự lúc nào. Chị nói thương anh, anh chỉ bảo: “Em còn trẻ, suy nghĩ còn bồng bột. Thương anh, em sẽ khổ bởi anh không còn lành lặn như bao người đàn ông khác. Rồi gia đình em sẽ không chấp nhận...”. Chị khẳng định: “Những điều đó em đã biết. Lòng em đã quyết rồi, em sẽ thuyết phục ba mẹ”. Những ngày sau đó, anh tránh gặp mặt chị vì không muốn làm khổ chị. Nhưng Trâm vẫn không từ bỏ, chị quyết định về quê ở Nghệ An để thưa chuyện với bố mẹ mình. Ban đầu bố mẹ chị phản đối dữ dội, mẹ chị bảo: “Con đâu phải không có ai ưng, sao lại chuốc khổ vào thân hả con?”.
Chị nói: “Trái tim có sự chọn lựa riêng của nó mẹ à. Suốt đời này con chỉ lấy người đó thôi”. Trước sự quyết liệt của con gái, bố mẹ chị cũng đành chấp nhận. Một đám cưới ấm cúng đã diễn ra trong niềm hạnh phúc vô bờ. Cái quán nhỏ được dựng lên trước sân nhà anh là nơi để chị bán hàng tạp hóa. Ngọc luôn tự túc mọi sinh hoạt cá nhân, sợ làm phiền đến người khác. Ngày ngày, người dân ở chợ An Cư lại thấy chàng trai nhỏ thó ngồi xe lăn thêm một “nhiệm vụ” chở hàng về cho vợ bán.
Khi thì thùng nước mắm, mì tôm rồi đến bánh, kẹo, xà phòng bột giặt... đều được anh đặt lên đùi và lăn xe chở về tận nhà... Quán bán hàng dần dà có khách cũng đủ nuôi sống hai người. Và cô con gái nhỏ Dương Thị Thiên Ý đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng Ngọc-Trâm. Điều Ngọc mong muốn bây giờ là căn nhà 49m2 của anh có sổ đỏ để anh có thể vay vốn ngân hàng, mở rộng quầy hàng, ổn định cuộc sống. Với anh, hạnh phúc đã không còn xa...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ