Năm nào thành phố Đà Nẵng cũng đối mặt với vài ba cơn lũ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, gây thiệt hại các công trình dân sinh, trong đó nghiêm trọng là hệ thống giao thông và kênh mương thủy lợi. Bên cạnh nguyên nhân do lũ, còn có nguyên nhân nào khác?
Đường ADB5 đi qua xã Hòa Tiến bị hư hỏng nặng do lũ. |
Cách đây 2 năm, trận lũ cuối năm 2009, kênh chính Trạm bơm An Trạch bị lũ cuốn trôi 2 đoạn, mỗi đoạn dài hơn 100 m. Khối lượng đất đá bị cuốn trôi ước hàng chục nghìn mét khối lấp đầy gần chục héc-ta ruộng của thôn An Trạch, xã Hòa Tiến. Đó là lần thứ 3 các đoạn kênh này bị lũ cuốn trôi. Thành phố đã tốn nhiều kinh phí đầu tư khôi phục sau mỗi đợt lũ. Quá trình khôi phục thay đổi thiết kế bằng cách gia cố mái ta-luy âm của 2 đoạn kênh bị sạt lở bằng bê-tông cốt thép. Kể từ đó, cho dù lũ lớn đến mấy, 2 đoạn kênh đó đều an toàn.
Đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua, đường bê-tông nối từ đường 602 vào thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh bị lũ cuốn trôi đoạn dài 50m. Đây là lần thứ 4 đoạn đường này bị lũ cuốn trôi. Chứng kiến cảnh những bi cống loại phi 800mm bị lũ cuốn xa hàng chục mét, đường bị cắt đứt hoàn toàn, người dân địa phương cho rằng: Thiết kế thi công kiểu ngầm tràn tại nơi thường xuyên xảy ra lũ quét làm sao chống đỡ nổi? Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Nước cả vùng rộng lớn đều dồn về con suối sát đường 602. Khi xảy ra lũ, dòng chảy tại đây rất lớn. Trong khi cống qua ngầm tràn nhỏ, phía ta-luy âm không được gia cố bền vững, nước tràn qua gây xói lở cuốn phăng cả đoạn là tất yếu. Giá như tại đó xây cầu khẩu độ thông thủy lớn thì đâu đến nỗi.
Cũng trong đợt lũ vừa qua, đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Phong (Hòa Vang) bị lũ gây sạt lở nghiêm trọng gần như toàn tuyến, trong đó 2-3 vị trí sạt lở sâu vào nền đường 3-4m. Đất đá từ các vị trí sạt lở lấp đầy ruộng lúa sát đó. Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho rằng: Cống qua đường ít, khẩu độ nhỏ, phía ta-luy âm chỉ đắp đất, lát cỏ nên sạt lở nghiêm trọng. Con đường này băng qua vùng lũ, khi lũ về chẳng khác nào con đê, để lũ thoát nhanh chỉ có thể xây dựng nhiều cống qua đường khẩu độ lớn, hoặc xây cầu. Phía ta-luy âm phải gia cố bê-tông kiên cố.
Không chỉ 3 công trình nêu trên mà còn nhiều công trình hễ lũ về là hư hỏng. Sau lũ, phải đầu tư nhiều kinh phí khôi phục lại, đợt lũ tiếp lại sạt lở. Đơn cử như đường 409 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Khương, hầu như lũ năm nào cũng sạt lở phía ta-luy âm. Kênh mương thủy lợi cũng lâm vào tình trạng tương tự, quanh năm khôi phục không hết hư hỏng vì lũ.
Thiết kế xây dựng các công trình ở vùng lũ, yếu tố hết sức quan trọng là các thông số về tần suất lũ. Tức là khi thiết kế đã tính đến khả năng lũ lớn nhất, công trình vẫn bảo đảm an toàn. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Liệu có ai chịu trách nhiệm về sự hư hỏng các công trình nêu trên? Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, để các công trình an toàn trong lũ, đỡ lãng phí công sức, tiền của khôi phục lại sau mỗi đợt lũ.
Bài và ảnh: Hoài Nam