Từ tháng 11-2004 đến nay, Hội LHTN thành phố phối hợp với tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam (nay là Trung tâm Reach) đã tổ chức được 20 khóa đào tạo nghề miễn phí theo định hướng thị trường cho gần 2.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, 95% thanh niên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.
95% thanh niên học nghề theo định hướng thị trường có việc làm ổn định. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Hội LHTN thành phố khen thưởng cho 6 học viên xuất sắc của khóa đào tạo nghề thứ 19. |
Đánh giá cao năng lực của học viên
Gặp Huỳnh Thị Tuyết Nga, học viên lớp phục vụ bàn - bar, tại buổi bế giảng khóa đào tạo nghề thứ 19, cô hồ hởi: “Em vừa được lãnh đạo nhà hàng Bambino tuyển dụng với mức lương khởi điểm 1,5 triệu đồng/tháng. Với em như vậy là đã thỏa mơ ước”. Không chỉ có Tuyết Nga, mà 140 em khác trong tổng số 162 học viên tốt nghiệp đã được các nhà hàng, khách sạn, studio, công ty thương mại lớn như: Khách sạn Sun River, Khách sạn Nữ Hoàng, Công ty Vinamilk, Công ty Lotte Việt Nam, Công ty Sabeco... tuyển dụng ngay khi chưa bế giảng khóa học.
Tuyết Nga còn cho biết thêm: “Ngày bắt đầu đi học nghề ở Trung tâm Reach, em chưa có mục tiêu phấn đấu, sau 4 tháng được các thầy cô truyền đạt chuyên môn, nghiệp vụ, dạy và bồi huấn kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, giao tiếp, đi làm thực tế tại các doanh nghiệp... em cảm thấy mình rất yêu nghề và đã xác định được mục tiêu của cuộc sống”. Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Khách sạn Sao Minh (3 sao) thì cho hay: “Khách sạn tôi vừa tuyển dụng 10 học viên (lớp phục vụ buồng phòng trong khách sạn) của Trung tâm Reach, chiếm gần 25% số lượng cán bộ, nhân viên của khách sạn. Chúng tôi đánh giá rất cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và đức tính cần cù, chịu đựng áp lực, ham học hỏi của các em. Đặc biệt, khi khách sạn tổ chức một số sự kiện lớn, một số em đã cho thấy sự tự tin phối hợp cùng các cán bộ, nhân viên khách sạn phục vụ rất tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá rất cao chương trình đào tạo của Reach với việc trang bị cho học viên các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng tìm kiếm khách hàng (sales) cho khách sạn”.
Nghề theo định hướng thị trường
Bắt đầu đào tạo nghề từ tháng 11-2004 với 2 lớp, 2 ngành nghề và chưa đầy 100 học viên, đến nay, dự án Đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển lên thành 6 lớp với 4 ngành nghề (bán hàng, chăm sóc khách hàng-marketing; phục vụ bàn-bar; phục vụ buồng phòng trong khách sạn; thiết kế đồ họa trên vi tính) và chỉ tiêu tuyển sinh lên gần 200 học viên, địa bàn tuyển sinh cũng mở rộng hơn, để thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh lân cận có cơ hội được học nghề miễn phí và có việc làm. Mô hình nghề đào tạo thay đổi qua các khóa theo nhu cầu thị trường.
Chương trình đào tạo kéo dài trong 4 tháng, học viên vừa được bồi dưỡng lý thuyết, vừa được thực hành tại các doanh nghiệp, bồi dưỡng về kỹ năng sống, kiến thức xã hội, các hoạt động ngoại khóa bổ ích, thiết thực. Trên 95% học viên tốt nghiệp được tuyển dụng, vào làm việc ngay... Tuy vậy, theo lãnh đạo Trung tâm Reach tại Đà Nẵng, khó khăn và thách thức lớn nhất vẫn là tuyển sinh đủ và đúng đối tượng. Do tâm lý xã hội, thị hiếu, nên nhiều thanh niên chưa mặn mà với các công việc theo định hướng thị trường (thị trường đang rất cần) mà trung tâm đang đào tạo.
Hiện nay, trung tâm phải mở rộng và thay đổi hình thức tuyển sinh, các học viên đã được đào tạo tiếp cận, giới thiệu với các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn dân cư, bà con thân thích, bạn bè để làm hồ sơ theo học. Thiết nghĩ, vấn đề này cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương - vận động thanh-thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn (có trình độ học vấn từ lớp 8 đến lớp 12) đi học nghề phù hợp và thị trường đang cần, qua đó có việc làm ổn định.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP