Lương tối thiểu công chức, viên chức là 1.680.000 đồng, 2.000.000 đồng, hoặc 3.150.000 đồng mỗi tháng là ba phương án vừa được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.
Ba phương án cải cảnh tiền lương đã được đưa ra thảo luận. |
Ngày 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 – 2020”, nhằm tham khảo ý kiến của đại diện các tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều đại biểu tham dự cho rằng, mức lương tối thiểu hiện nay là quá thấp, không đáp các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Theo các đại biểu, từ 1-5-2012, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng mỗi tháng. Dù vậy, nhưng vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV là 1,4 triệu đồng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I là 2 triệu đồng).
Hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu hạn chế. Vì thế, cần có một phương án tăng lương mới.
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cải cách tiền lương trong bối cảnh hiện nay là vấn đề hệ trọng, phức tạp và nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp trong nhiều năm tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Trên quan điểm này, Bộ Nội vụ đã đưa ra 3 phương án cải cách tiền mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 để xin ý kiến đóng góp của từng tỉnh, thành trước khi trình Chính phủ.
Phương án đầu tiên sẽ dựa trên cơ sở tính toán mức tăng lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp (2 triệu đồng/tháng). Phương án hai, quy định lương tối thiểu bằng mức bình quân mức lương tối thiểu cả 4 vùng của khu vực doanh nghiệp (khoảng 1.680.000 đồng/tháng). Phương án cuối cùng là xác định nhu cầu của người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước (khoảng 3.150.000 đồng/tháng).
“Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này, trong khi tiền lương của họ quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng ‘tước đoạt để bù đắp’ trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng”, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Đoàn Cường nhấn mạnh.
Trước 3 phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra, nhiều đại biểu của TP HCM và Tiền Giang có quan điểm ủng hộ phương án hai bởi dễ triển khai trong thực tế, đồng thời cũng đảm bảo tính cạnh tranh của tiền lương công chức nhằm thu hút người có tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Đại diện một số địa phương khác thì chưa thống nhất. Ông Phạm Văn Ru, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, phương án đầu tiên là thỏa đáng nhất. “Phương án này sẽ thu hút được người có năng lực về khu vực nông thôn làm việc chứ không phải tạo nên sự chênh lệch giữa cán bộ, công chức với thu nhập của người dân vùng khó khăn”, ông Ru nói.
Các đại biểu khác cũng góp ý Bộ Nội vụ cần thận trọng trong xem xét phương án tính lương tối thiểu, kể cả cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức. “Vì ngoài vấn đề đời sống, tiền lương còn liên quan chặt chẽ tới phòng, chống tham nhũng, hoạt động của doanh nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội liên quan”, đại biểu tỉnh Bạc Liêu băn khoăn.
Sau Hội thảo ở TP HCM, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Nội trong tháng 12 để lấy thêm ý kiến phản biện từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
VnExpress