Từ 150 ngàn đồng/ngày rồi tăng dần lên 180 ngàn, 200 ngàn và thậm chí là 250 ngàn đồng/ngày công cho thợ chính, thế nhưng để kiếm được thợ “xịn” thời điểm cuối năm không hề đơn giản.
Phần xây dựng “thô” không đòi hỏi tay nghề cao bằng công đoạn hoàn thiện công trình. |
Do tâm lý khá phổ biến của người dân là muốn việc xây nhà cửa phải “gói gọn” trong một năm mới tốt, chính vì vậy từ khoảng tháng 2, 3, các chủ thầu xây dựng đều đi nhận công trình để làm dần trong năm. Mặc dù phải làm nhiều công trình một lúc, nhưng thời gian đầu xây thô nên các chủ thầu xây dựng vẫn khá tự tin vì công việc này không đòi hỏi tay nghề cao, chủ yếu cần sức khỏe nên việc bảo đảm số lượng thợ cho các công trình không đáng lo ngại. Đến khi công trình đi vào hoàn thiện mới chính là lúc các ông thầu lo nhất, vì trong số cả chục thợ thường chỉ có vài người đảm nhận tốt việc làm đẹp cho ngôi nhà.
Mặc dù biết rõ quy luật “đầu năm thừa, cuối năm thiếu”, nhưng theo ông Lê Anh Cường ở Cẩm Nam, TP. Hội An, người có nhiều năm làm nghề tại Đà Nẵng cũng không có cách gì “giải” nổi bài toán này. Ông cho biết: “Đầu năm nay, tôi nhận làm 5 ngôi nhà tại Đà Nẵng và phải hoàn thành công việc trong năm. Với gần 20 công nhân, trong đó có 6 người thợ có tay nghề cao làm phần trang trí, nên tôi tin tưởng đủ sức hoàn tất hợp đồng đúng thời hạn. Thế nhưng trong tháng 9 và 10, tôi liên tiếp mất 3 thợ chính, do nhà thầu khác lôi kéo bằng cách tăng tiền công. Tình hình buộc tôi phải tăng giá nhân công thợ chính từ 220 lên 280 ngàn đồng/ngày để kéo 3 thợ về lại với mình. Làm vậy thì có người xây phần hoàn thiện nhưng giảm lời là tất nhiên”.
Tuy nhiên, lo nhất là các ông thầu nhận thi công phần gỗ cho các công trình. Do phần hoàn thiện chủ yếu “rơi” vào phần gỗ như cầu thang, tủ bếp, tủ trang trí... nên càng về cuối năm, áp lực công việc càng tăng, thế nhưng đây lại là thời điểm dễ mất thợ chính nhất. Ông Trần Văn Khương, chủ cơ sở mộc Văn Khương ở quận Sơn Trà cho biết, từ tháng 4-2011 đã nhận thi công phần cầu thang và tủ bếp cho 3 ngôi biệt thự và 2 căn nhà hộp.
Do năm nay mưa nhiều, cúp điện cũng nhiều khiến cho tiến độ công việc chậm cả tháng trời. Để tránh bị phạt hợp đồng, ông Khương đã chủ động tuyển thêm thợ mộc lành nghề tận Bắc Giang vào làm, nhờ vậy đến thời điểm này ông không lo phạt hợp đồng, nhưng tiền lãi cũng giảm nhiều. Theo ông, tiền lương cho thợ mộc từ Bắc Giang vào làm ngang bằng với thợ tại địa phương, nhưng mình phải lo chỗ ăn ở cho họ, khiến cho giá nhân công tăng từ 30-40%. Biết vậy nhưng ông Khương cho rằng mình vẫn còn gặp hên vì một số đồng nghiệp đang “ngồi trên lửa” do thời gian đến Tết chỉ tính bằng ngày nhưng thợ thì kiếm không ra.
Điệp khúc này cứ diễn ra suốt những năm gần đây, khiến cho nhiều ông thầu bị phạt hợp đồng và không ít chủ nhà đành chấp nhận ở nhà thuê thêm một cái Tết. Theo chúng tôi, đã đến lúc nên có một tổ chức dưới dạng hiệp hội nghề nghiệp để những người làm trong nghề xây dựng hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đặc biệt là tránh được tình trạng cứ đến cuối năm phải chạy đôn chạy đáo “lùng” thợ giỏi về làm cho mình.
Bài và ảnh: Thanh Vân