.

Hà Nội đổi giờ học, giờ làm từ 1-1-2012

.

UBND thành phố Hà Nội vừa chính thức báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố về việc thay đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn 12 quận, huyện.

Phương án đổi giờ làm, giờ học chỉ áp dụng tại 10 quận nội thành và 2 huyện - nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng Nhân dân sáng nay (7-12), việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh của một số nhóm đối tượng là một trong các giải pháp nhằm góp phần làm giảm áp lực giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại khu vực các quận nội thành.

Việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh phải tạo được sự chênh lệch khá lớn về thời gian giữa các nhóm đối tượng (ít nhất là 1 giờ). Trên cơ sở khảo sát của các cấp, ngành, UBND thành phố đề xuất việc đổi giờ học, giờ làm chỉ áp dụng trên 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Thành phố cũng chia thành 3 nhóm đối tượng gắn với các phương án điều chỉnh đi kèm.
   
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm: sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; học sinh các trường trung học phổ thông, thời gian bắt đầu học từ 6h30 và kết thúc sau 19h00.

Nhóm 2  gồm học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: thời gian bắt đầu học từ 7h30 và kết thúc vào 17h30. Cán bộ công chức, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội), thời gian bắt đầu làm việc từ 8h00 và kết thúc vào 17h00   

Nhóm 3 gồm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính): thời gian bắt đầu làm việc từ 9h00 và kết thúc sau 19h00

Riêng nhóm các cơ quan, đơn vị quân đội, công nhân làm theo ca: giữ nguyên, không thay đổi.

Cùng với việc thực hiện giải pháp điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn, UBND thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án quản lý phương tiện lưu thông. Rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện ô tô, xe máy trên lòng đường, vỉa hè, tiến hành thu hồi tất cả các vị trí dừng, đỗ gây ảnh hưởng tới giao thông; giải tỏa vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường.

Thành phố cũng tiếp tục rà soát và có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể tại các nút thường ùn tắc, tiến hành tổ chức phân làn tách dòng giao thông theo phương tiện trên một số tuyến đường; nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách về kinh tế, hành chính nhằm kiềm chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông tại một số tuyến đường, khu vực.

Sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố cho ý kiến, UBND thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện từ ngày 1-1-2012.

VnEconomy

;
.
.
.
.
.