(ĐNĐT) - Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang cận kề nên đây là thời điểm dân buôn lậu tranh thủ gom hàng tới các điểm tiêu thụ. Lực lượng chức năng chuyên ngành vẫn tăng cường kiểm tra và xử lý, song công việc này ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Liên tiếp bắt hàng lậu
Theo nhận định của ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng, mặc dù Đà Nẵng không phải là điểm “nóng” về tình hình buôn lậu trên địa bàn miền Trung song dịp cận tết các đối tượng buôn lậu thường hoạt động rầm rộ. Hàng lậu, hàng giả được vận chuyển chủ yếu bằng xe khách, xe du lịch, thậm chí bằng đường sắt, đường hàng không, kể cả đường bưu điện…rồi đưa về tiêu thụ tại Đà Nẵng.
Số thuốc lá lậu bị Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự Quản lý kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an thành phố Đà Nẵng) thu giữ ngày 3-12 mới đây. |
Mới đây, ngày 3-12, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an thành phố Đà Nẵng) cùng các cơ quan chức năng thành phố đã chặn kiểm tra ô tô BKS 74K- 8601 tại cửa hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và phát hiện trên xe có 15.000 gói thuốc lá Jet và 48 chai rượu Chivas không hóa đơn, chứng từ.
Theo lời khai của chủ hàng tên Nguyễn Thị Hải Yến (37 tuổi, trú Quảng Trị), số thuốc lá lậu được bà thu mua từ cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Còn 48 chai rượu ngoại là do bạn gửi chở giùm và đang vận chuyển vào chợ Cồn (Đà Nẵng) để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để ngụy trang cho số hàng lậu, bà Yến đã dùng xe chở hàng hóa chủ yếu là bia, sau đó bỏ rượu và thuốc lá vào phía trong thùng xe.
Trước đó, ngày 12-4, Đội QLTT số 7 (Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng) đã kiểm tra và phát hiện trên ô tô BKS 38H-4869 do Dương Văn Nam (trú Thạch Hà, Hà Tĩnh) điều khiển chở 5.200 bao thuốc lá Jet nhập lậu (chủ xe là bà Phạm Thị Hoa thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ, đang trên đường đưa vào Đà Nẵng tiêu thụ thì bị bắt giữ. Ngày 1-10, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoa về lô hàng lậu trên.
Xử lý hàng lậu: không dễ
Theo thống kê kiểm tra, kiểm soát thị trường từ Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Đà Nẵng, tính đến hết ngày 15-11, đơn vị này đã kiểm tra 2.834 vụ, xử lý 2.619 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm (tiền xử phạt, bán hàng tịch thu) trên 6 tỷ đồng.
Riêng công tác chống buôn lậu, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, đơn vị này đã xử lý 43 vụ hàng cấm, phạt tiền gần 220 triệu đồng và tịch thu 13.411 bao thuốc lá Jet. Xử lý 28 vụ hàng nhập lậu, phạt tiền gần 12 triệu đồng, hiện tạm giữ 53 máy hàn, 7.000 hộp quẹt gaz, 23 tấn phân ure, 170 thùng chén bát Trung Quốc, 1.600 kg quần áo đã qua sử dụng…
Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Đà Nẵng) kiểm tra mặt hàng rượu trên địa bàn thành phố. |
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an thành phố Đà Nẵng), vào dịp cận tết, mặt hàng được dân buôn lậu thường tập trung vào nhiều nhất là thuốc lá, quần áo, rượu ngoại, nước hoa, thực phẩm...
“Các mặt hàng trên chủ yếu là hàng nhập từ Lào, Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc rồi chuyển vào Đà Nẵng tiêu thụ với diễn biến rất phức tạp và năm sau tinh vi hơn năm trước. Thêm vào đó, dân buôn lậu ngày càng liều lĩnh, bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng chống trả quyết liệt khiến cho việc phát hiện cũng như chống buôn lậu của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn”, thượng tá Chính nói.
Ông Hậu cũng đồng tình với nhận xét này và cho biết thêm, để đưa mặt hàng lậu này có thể trót lọt, dân buôn bán hàng lậu thường dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như xé nhỏ, chia lẻ lô hàng trong quá trình vận chuyển nên rất khó phát hiện, xử lý.
“Chúng còn cắt cử cả một đội “quân xanh” luôn canh gác, theo dõi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. Hễ có bất cứ động tĩnh nào là chúng lại im lặng và nghe ngóng, chờ thời cơ nên việc phát hiện là không dễ. Trong khi đó, hiện nay quy định xử phạt cho hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu còn lại quá nhẹ không đủ sức răn đe”, ông Hậu cho biết.
Cũng theo ông Hậu, việc quy định thủ tục trong quá trình kiểm tra, kiểm soát khá tốn thời gian. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về nắm bắt và phối hợp thông tin không tốt dẫn đến hiệu quả chưa cao, thiếu nhạy bén dẫn đến tình trạng chống hàng lậu, hàng giả còn nhiều hạn chế.
Đắc Mạnh