.

Hỗ trợ thông tin cho ngư dân

.

Nghề đi biển tiềm ẩn những rủi ro khôn lường. Chính vì vậy, việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin liên lạc (TTLL) cho ngư dân rất cần thiết.

Tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang.
Tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang.

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 2.000 tàu thuyền hoạt động trên biển. Trong thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm đầu tư TTLL phục vụ đánh bắt hải sản và phối hợp trong công tác cứu nạn như nâng cấp hệ thống đài bờ, thành lập các tổ thông tin, trang bị máy ICOM, hỗ trợ cước gọi qua Đài thông tin duyên hải, miễn phí sử dụng tần số… Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, thông tin phục vụ đánh bắt hải sản tại thành phố Đà Nẵng chỉ dừng ở phạm vi liên lạc tàu-tàu và tàu-đài bờ dựa trên máy VHF, HF....

Các tàu, thuyền khai thác hải sản, đặc biệt là những tàu đánh bắt xa bờ rất cần TTLL. Thông tin không chỉ là cầu nối giữa ngư dân với đất liền mà còn liên quan đến an toàn sinh mạng con người và phương tiện hoạt động trên biển. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã trang bị 97 bộ ICOM M710 cho ngư dân, góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển. Hầu hết các tàu thuyền đã trang bị một số máy móc như máy bộ đàm tầm xa (ICOM), máy bộ đàm tầm ngắn, máy định vị, máy trực canh, radio… để phục vụ kịp thời công tác thông tin. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng phát huy hiệu quả công tác bảo đảm TTLL cho các tàu thuyền qua các máy trực canh. Nhờ vậy, mạng lưới kết nối TTLL giữa các tàu với nhau và giữa biển với đất liền được hình thành, các tàu cá đã nắm được các thông tin chính xác, kịp thời và chủ động hơn trong phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngư dân đang liên lạc qua máy ICOM.
Ngư dân đang liên lạc qua máy ICOM.

Anh Lê Văn Sinh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90026-TS, cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, nhiều tàu thuyền khác cũng đã tự trang bị máy ICOM để trao đổi thông tin, chia sẻ ngư trường và hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra. Không những thế, với thiết bị này, hằng ngày chúng tôi còn nhận được các thông tin, sự chỉ đạo từ đất liền, các cách ứng phó khi gặp thời tiết bất lợi xảy ra”. Nhờ có sự hỗ trợ thiết thực đó, các tàu cá đã vươn khơi khai thác ở những ngư trường hiệu quả như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… và thời gian bám biển cũng dài hơn trước.

Chị Lê Hoàng Thúy, Phó trưởng Phòng Quản lý kỹ thuật, Sở NN&PTNT Đà Nẵng, cho biết: “Sắp tới, thành phố sẽ trang bị cho một số tàu cá hệ thống thông tin vệ tinh. Hệ thống này giúp ngư dân trên biển có thể liên lạc với tất cả các loại điện thoại khác trên bờ; có thể phát/nhận thông tin cảnh báo nếu tàu vượt qua khỏi ranh giới cho phép và tín hiệu cấp cứu tức thời trong các trường hợp nguy hiểm và các thông tin tình hình thời tiết. Đặc biệt, cho phép Trung tâm xác định được vị trí chính xác của tàu, từ đó có thể quản lý và hỗ trợ ngư dân kịp thời”.

TTLL cơ bản đã bảo đảm, tuy nhiên, hiện Trung tâm TTLL tập trung chưa có nên TTLL với tàu cá có mặt hạn chế. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý tàu cá cũng chưa có nên việc cập nhật, trao đổi thông tin quản lý giữa các cơ quan chức năng chưa được thuận lợi và nhanh chóng. Hy vọng với hệ thống thông tin có gắn thiết bị định vị, công tác an toàn cho ngư dân được bảo đảm, nhất là trong phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Bài và ảnh: Thanh Tình
 

;
.
.
.
.
.