Hòa Vang vốn là một huyện thuần nông, trong đó có 4 xã miền núi và giáp ranh với miền núi, đời sống đồng bào dân tộc Cơtu còn khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh phụ khoa cao... Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ 2 năm trở lại đây đã có nhiều bước chuyển biến tích cực từ cách làm mới của địa phương.
Phụ nữ Hòa Vang được hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống tại gia đình. |
Giảm sinh con thứ 3
Theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Hòa Vang Hồ Tấn Lợi, ngoài những khó khăn khách quan đã nêu trên, còn một trở ngại khác là đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, địa bàn hoạt động rộng, đi lại khó khăn, kinh phí cho các hoạt động còn hạn hẹp và bất cập. Trước thực tế trên, để hoàn thành các chỉ tiêu giao, ngay từ đầu năm, huyện Hòa Vang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ cho người dân, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Những chỉ tiêu dân số được giao ngay từ đầu năm cho các xã và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hoạt động phong phú. Kết quả, năm 2011, toàn huyện đã vượt chỉ tiêu các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 2,3% so với năm 2010.
Đối với xã miền núi như Hòa Bắc, trong năm 2011, nhờ sự hoạt động có hiệu quả của cán bộ chuyên trách nên các chỉ tiêu DS đều thực hiện đạt kế hoạch. Đặc biệt là kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc Cơtu được nâng lên đáng kể. Ở xã Hòa Tiến, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm mạnh, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 90%, 100% thôn phát động xây dựng thôn không sinh con thứ 3, trong đó có nhiều thôn 3 năm liền không có người sinh con thứ 3. Nhiều gia đình bằng lòng với mô hình gia đình ít con để tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Bản thân những người làm công tác dân số ở địa phương đã gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ để mọi người noi theo.
Nam giới tích cực tham gia
Do tác động tích cực của công tác truyền thông DS-KHHGĐ, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ không chỉ ở người phụ nữ mà còn có sự tham gia tích cực ở nam giới, những người mà trước đây luôn mang tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường đã tạo áp lực lớn lên người vợ phải sinh con cho đến lúc nào có con trai mới dừng. Từ sự thay đổi nhận thức đó, nên các biện pháp tránh thai hiện đại được áp dụng từ 85% trở lên trong tổng số biện pháp KHHGĐ.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung về KHHGĐ được đưa vào hương ước của thôn, đồng thời lồng ghép việc thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ vào cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa trong những buổi sinh hoạt, hội họp của thôn. Riêng đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên dân số từ xã đến thôn luôn đến tận hộ gia đình để vận động người dân, tập trung vào những đối tượng có hai con trở lên.
Thời gian tới, để công tác DS-KHHGĐ ở Hòa Vang được người dân đồng lòng thực hiện, rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác dân số, từ đó giúp người dân nhận thức được việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Bài và ảnh: DIỆU MINH