.

Hội nghị lần tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

.

Sáng 26-12, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; thảo luận, cho ý kiến về Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020.

Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về các Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2011; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu hai đề án quan trọng để Hội nghị tập trung thảo luận, gồm: Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020; Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba khâu đột phá nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã được Đại hội XI của Đảng thông qua. Lần này, Hội nghị Trung ương bàn và quyết định vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng chính là để cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống một chủ trương rất quan trọng của Đại hội XI. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, rất khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều vùng, địa phương và cả nước; cần phải xác định rõ phạm vi, mục tiêu, yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo thì mới có thể triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.

Đề án đề cập toàn diện cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bao gồm 10 lĩnh vực : Hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục-đào tạo, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, thể thao; trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực là: Hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi và hạ tầng đô thị.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến về phạm vi các vấn đề; phân tích, đánh giá chính xác thực trạng tình hình kết cấu hạ tầng và công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thời gian qua; dự báo bối cảnh, yêu cầu đặt ra cho sự phát triển, nêu rõ những thuận lợi, cơ hội và những khó khăn, thách thức, nhất là những mâu thuẫn lớn đang đặt ra phải giải quyết.

Trên cơ sở đó, Trung ương xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển cho thời gian tới theo tư tưởng chỉ đạo của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. Căn cứ vào mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng chung của cả nước để định hướng phát triển, xây dựng cho từng vùng: vùng động lực phát triển, vùng đô thị và nông thôn; vùng công nghiệp, dịch vụ, vùng nông nghiệp, các tỉnh, thành phố. Đồng thời, thống nhất về chủ trương và giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư đối với một số dự án, công trình lớn, đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành dứt điểm chậm nhất vào năm 2020.

Về chính sách, cơ chế và giải pháp, cần chú trọng các vấn đề có tính đột phá, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, cả trong nước và nước ngoài; khắc phục cho được tình trạng đầu tư dàn trải, chất lượng kém, thất thoát, hiệu quả thấp. Đối với từng lĩnh vực kết cấu hạ tầng cụ thể, ngoài các chính sách, cơ chế và giải pháp chung, cần nghiên cứu xác định trong các quy hoạch ngành, các chính sách, cơ chế, giải pháp riêng. Tập trung vào các nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; huy động và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động và nội lực hiện có; về phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước; đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút sự tham gia của nhân dân, khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng…

Tạo những chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng

Về Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần thứ tư cần thảo luận, ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay."

Căn cứ vào nhận định trong văn kiện Đại hội XI và thực tế tình hình trong nước, thế giới có những diễn biến mới, Bộ Chính trị kiến nghị Trung ương chọn ba vấn đề đang thực sự cấp bách, cần làm ngay, với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị cần đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân, nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh, khách quan, không phiến diện; đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu; trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp.

Về giải pháp, cần xác định những việc cần và có thể làm ngay và những việc cần phải có thời gian chuẩn bị, nhất là về việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, khả thi, có hiệu quả.

Theo Tổng Bí thư, những việc cần và có thể làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất...

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đối với những việc cần phải có thời gian chuẩn bị thì khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đề xuất để đi đến quyết định và thực hiện. Ví dụ: Phải khẩn trương đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt đảng; kiểm tra, giám sát việc tự rèn luyện và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, cho phù hợp với điều kiện mới. Xây dựng quy định cụ thể về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, gắn với việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có cơ chế giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng và nhân dân, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm, hơn lúc nào hết, Đảng càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI đã chỉ ra, tạo bước chuyển thực sự trong công tác này. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là : Ban Chấp hành Trung ương phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại và không được để ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên.

Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Theo chương trình, hội nghị sẽ làm việc đến ngày 31-12.

TTXVN

;
.
.
.
.
.