Học tiếng Pháp, tiếp cận với văn hóa, văn minh Pháp, một trong những đỉnh cao của văn hóa, văn minh nhân loại, như là một tất yếu của tầng lớp trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, từ đó hình thành xu hướng chủ đạo yêu nước và cách mạng của giới tinh hoa trong cộng đồng dân tộc. Chính những người này đã hòa vào dòng chảy nhân dân và cùng với nhân dân chiến đấu trường kỳ vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Khi cuộc đấu tranh đánh đuổi chủ nghĩa thực dân thành công, một trong những hệ quả tích cực để lại: Việt Nam hội đủ điều kiện là một thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ với 53 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm hơn ¼ nhân loại.
Tiếng Pháp và những mối liên hệ giao lưu văn hóa Việt-Pháp là cơ sở quan trọng để Việt Nam duy trì và phát triển những hoạt động hữu nghị hợp tác, không chỉ khép lại quá khứ đau buồn mà còn vun đắp nên mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc.
Ý thức được điều đó, năm 1991 trong những ngày tháng đổi mới đầu tiên, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Câu lạc bộ tiếng Pháp, một tổ chức xã hội được thành lập ở Đà Nẵng.
Từ đó đến nay, Đà Nẵng có một điểm hẹn cho các thế hệ những người nói tiếng Pháp, một tháng đôi lần đến để gặp gỡ trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp, có thể là đàm thoại, thuyết trình, ngâm thơ, hoặc những màn kịch nhỏ, cho khỏi quên, cho đỡ nhớ tiếng Pháp, một trong những thứ tiếng được nhiều người nói nhất thế giới, được ca là ngôn ngữ của văn hóa. Thường có những bạn Pháp đang sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng đến tham gia sinh hoạt đem đến những tiếng nói đồng điệu. Có thể nói chỉ với hoạt động này, ở Câu lạc bộ tiếng Pháp đã diễn ra một thú chơi tao nhã cho rất nhiều người, câu lạc bộ đáng được ghi một điểm son rồi. Hơn thế, các thành viên câu lạc bộ còn bền bỉ tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, tranh thủ trái tim và khối óc của những bè bạn trong Cộng đồng Pháp ngữ để họ thêm yêu, thêm hiểu con người và đất nước Việt Nam và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Câu lạc bộ đã kết nối với nhiều tổ chức phi chính phủ ở Pháp và nhiều vùng miền nói tiếng Pháp, phần lớn là những tổ chức nhỏ, những người bạn nhỏ nhưng hết sức chân thành, tiềm lực tài chính có hạn, song nói theo ngôn ngữ dân gian “của ít lòng nhiều”. Qua Câu lạc bộ, họ đã trao học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, giúp vốn tạo sinh kế cho các hộ nghèo, giúp các hộ nghèo tu bổ, nâng cấp các ngôi nhà tạm bợ, giúp tạo lập cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề cho các cháu nạn nhân chất độc da cam.
Các bạn cũng đã giúp Câu lạc bộ xây dựng một cơ sở nho nhỏ để làm nơi gặp gỡ sinh hoạt và cung cấp cho Câu lạc bộ nhiều sách báo, tài liệu quý bằng Pháp ngữ.
Giữ và phát triển các quan hệ với các đối tác, tranh thủ viện trợ, tiếp nhận và chuyển đến đúng địa chỉ không hề là một công việc dễ dàng. Các cán bộ chủ chốt của Câu lạc bộ đã vượt mọi khó khăn, không có một sự trợ giúp nào về tài chính, tự mình lo toan 20 năm qua đem về cho những người nghèo, những người dễ bị tổn thương ở thành phố này sự trợ giúp thiết thực và những tình cảm ấm áp.
*
Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và chủ động hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa, chúng ta đang đứng trước những thử thách gay gắt, có thể có bao chuyện không hình dung nổi và có những điều không thể cưỡng lại được.
Hiện nay dư luận xã hội hầu như chỉ coi tiếng Anh mới là ngoại ngữ. Với tiếng Anh mới có thể tìm được việc làm, có điều kiện thăng tiến. Theo một báo cáo của ngành Giáo dục-Đào tạo, sinh viên được đào tạo chuyên ngữ Anh chiếm 85%, sinh viên tiếng Pháp chỉ có 5%. Nếu cứ đà này đi tới thì biết bao cơ hội tiếp cận với văn hóa, khoa học ở Pháp ở các nước nói tiếng Pháp bị bỏ lỡ. Và việc chúng ta hướng tới xây dựng một thế giới đa văn hóa bằng sự hiểu biết đa văn hóa của mình sẽ bị thu hẹp đến mức nào.
Đặc biệt với Việt Nam, có thể nói những ai muốn nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam cận đại và đương đại thì việc nắm vững tiếng Pháp (và cả tiếng Trung) là vô cùng cần thiết.
Câu lạc bộ tiếng Pháp ở Đà Nẵng có lẽ không thể làm được việc hiệu chỉnh dòng chảy học ngoại ngữ đang bị chi phối bởi tâm thế thực dụng nhưng việc nhen nhúm, giữ gìn ngọn lửa nhiệt tình với tiếng Pháp, niềm đam mê không vụ lợi với một ngôn ngữ đẹp, trong sáng hẳn là có thể nâng bước những bạn trẻ đã đến với tiếng Pháp, đi tới tận cùng con đường đã chọn.
Hình ảnh người chủ nhiệm rất trẻ Nguyễn Lê Đức Huy kế nhiệm ông cựu chủ nhiệm đã ngoại 80 với niềm tin và quyết tâm “Câu lạc bộ tiếng Pháp sẽ là nơi giúp những người nói tiếng Pháp ở Đà Nẵng tìm được những gì mà họ không thể tìm thấy ở nơi khác”.
Thêm một may mắn nữa cho Đà Nẵng, thành phố này được chọn là một trong những tỉnh, thành thực hiện chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp với sự hỗ trợ nhiều mặt đáng kể của các bạn Pháp. Công việc này đã được triển khai trên 15 năm ở một số trường tiểu học, THCS và THPT với cả ngàn học sinh. Rất mừng là nhiều bạn trẻ được học tiếng Pháp từ khi là học sinh tiểu học đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ này, nhiều người đã tìm kiếm và nhận được học bổng du học tại Pháp và thành đạt, có người đã trở về phục vụ việc giảng dạy tiếng Pháp chính trong chương trình mà từ đó họ đi lên, có người đang làm luận văn tiến sĩ. Trong xu thế chung hiện nay từ 6 trường 34 lớp với hơn 850 học sinh, đến nay chương trình vẫn còn đủ 6 trường nhưng chỉ có 21 lớp với gần 700 học sinh, dù sao đây vẫn là điểm sáng. Nó vẫn cho ta hy vọng sẽ có những bạn trẻ tinh thông tiếng Pháp xông vào nhiều lĩnh vực, gánh vác những công việc có ý nghĩa như bà Lê Thị Kinh đã làm ở tuổi bát tuần.
*
Như đã nói đây là chuyện của một câu lạc bộ nhỏ, rất nhỏ. Vậy mà nó lại làm tôi nghĩ đến những chuyện lớn ở đâu đâu. Con người phải chăng đang mải mê tìm kiếm sự hoàn hảo song hoàn hảo có thể là xa với không tưởng. Cái cần thiết ngay đối với cuộc đời này là sự hài hòa, sự đa dạng.
Sự hài hòa, sự đa dạng là vốn có của cuộc sống bình thường, là muối mặn của cuộc sống bình thường. Những việc làm nho nhỏ của cái câu lạc bộ nhỏ này đã gìn giữ và phát huy sự hài hòa, đa dạng để góp phần làm nên sự bền vững thực sự của cuộc sống bình thường.
Nguyễn Đình An