Càng gần đến Tết, những người thợ ở cơ sở hương Vĩnh Phước càng phải làm thâm trưa, thâm tối, hương sản xuất ra gấp bốn, năm lần ngày thường mà vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại một góc cơ sở sản xuất hương Vĩnh Phước. |
Vợ chồng anh Đoàn Anh và chị Nguyễn Thị Phước ở phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) lập cơ sở làm hương Vĩnh Phước cách đây đã hơn 20 năm. Trong sản xuất, anh chị sử dụng nguyên liệu trầm giáp tự nhiên, mua tận gốc và sản phẩm ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Cơ sở hiện có 25 lao động, chuyên sản xuất hương cây, hương vòng và hương trầm viên. Hương liệu được pha trộn với nhiều tỷ lệ trầm khác nhau, tùy theo giá trị của từng loại hương.
Nén hương đã đi vào trong tiềm thức của người Việt như một chiếc cầu nối giữa người đang sống và người đã mất. Do vậy, nghề làm hương không chỉ là công việc mưu sinh mà còn mang tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. |
Đặc biệt, loại hương cây đắt tiền nhất hiện nay có mùi thơm tạo cảm giác thư thái, khoan khoái, giá mỗi thẻ (91 cây) là 1 triệu đồng. (Hương cây và hương vòng thông dụng có giá lẻ từ 20-30 ngàn đồng. Hương trầm viên bán hộp với nhiều mức giá, những loại đắt giá đến 300.000 đồng/hộp). Theo chị Phước, pha chế hương liệu phải là người từng trải, giàu kinh nghiệm thì mới có thể sáng tạo được mùi thơm riêng biệt. Hai thẻ hương trông rất giống nhau, nhưng giá có thể chênh lệch gấp mấy lần là do chất lượng trầm mà chỉ khi thắp hương lên mới có thể nhận biết được.
Quy trình làm hương trải qua nhiều công đoạn: xay bột, pha trộn nguyên liệu, sản xuất hương, phơi hương và cho vào bao bì. Những thợ đứng máy lành nghề trung bình mỗi ngày sản xuất được 10.000 cây hương, hưởng tiền công theo sản phẩm. Nhưng hai tháng giáp Tết, nhờ có thêm chế độ thưởng nên thu nhập cao hơn.
Hiện nay, không chỉ ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, hương Vĩnh Phước còn được tiêu thụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cơ sở vừa có thương lái đến mua tại chỗ, vừa có một bộ phận chở đi bỏ mối cho các đại lý hương ở nhiều nơi. Ông Đoàn Anh cho biết: Nghề làm hương có việc quanh năm, nhưng ăn nên làm ra là nhờ có tháng Tết. Trong năm, nhiều lúc hương bán không hết, nhưng mình cứ sản xuất, bảo quản cho tốt và từ rằm tháng 10 trở đi thì thương lái gần xa tới tấp đến lấy hàng.
Chị Phước cho biết: Vợ chồng chị đã đăng ký độc quyền toàn quốc thương hiệu “Hương Vĩnh Phước”, nhưng trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số hương giả nhãn hiệu Vĩnh Phước. Chị mong các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý những cơ sở hương dỏm, giả mạo nhãn hiệu, nhất là trong những dịp lễ, Tết.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM