.

Nhà giáo Tài năng - Thanh lịch

.

LĐLĐ thành phố vừa tổ chức Hội thi “Nhà giáo Tài năng – Thanh lịch” nhân kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, với sự tham gia của gần 150 nhà giáo và hàng trăm cổ động viên là các giáo viên, sinh viên 12 trường đại học, cao đẳng.

Các nhà giáo tại hội thi. Ảnh: Thành Điệp
Các nhà giáo tại hội thi. Ảnh: Thành Điệp

Mục tiêu của hội thi là nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nét đẹp sư phạm của các nhà giáo, đồng thời cũng là sân chơi để cán bộ, đoàn viên các trường học được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảng dạy cũng như nghiệp vụ hoạt động Công đoàn.

Đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức dành cho các nhà giáo. Với các nội dung thi: Kiến thức, thuyết trình và thời trang công sở đã đề cao vai trò của các nhà giáo đối với xã hội. Các thầy, cô giáo đã hóa thân trở về tuổi học trò mộng mơ, đáng yêu. Ngoài Ban giám khảo, những khán giả là sinh viên, học sinh của chính các thí sinh trên sân khấu cũng là những giám khảo khắt khe không kém. Điều đó tạo ra cho Hội thi rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho cả người thi và người xem.

Với chủ đề “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thầy Lê Nguyễn Cao Tài (Trường CĐ Nghề Đà Nẵng) đã khẳng định, đề cao đạo đức, tài năng của mỗi giáo viên cần phải có khi đứng trên bục giảng. Việc nêu cao đạo đức và sự ham học hỏi để nâng cao kiến thức của mỗi giáo viên là tấm gương đầu tiên cho học sinh noi theo. “Yêu nghề - Khởi nguồn của sự sáng tạo” là tiêu đề bài thuyết trình của cô giáo Trần Thị Thanh Định (Trường CĐ Thương mại) đã đem đến cho người xem một thông điệp: Bất cứ ai, ở bất cứ nghề nào, nhất là nghề giáo, nếu không yêu nghề thì không có sự sáng tạo và tất yếu sẽ khó có thành công. Khán giả rất tâm đắc với đoạn thuyết trình của cô: “Không có con đường nào chỉ toàn hoa hồng, không có công việc nào chỉ mang lại sự bình an và nhàn hạ”.

Với chủ đề: Trách nhiệm của nhà giáo với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô giáo Nguyễn Thị Vân Dung (Trường CĐ Giao thông Vận tải 2) đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của nhà giáo trong sự nghiệp trồng người như lời Bác Hồ đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nếu mỗi nhà giáo nhớ và hiểu sâu sắc câu nói này của Bác để học tập, rèn luyện và giảng dạy cho tốt, làm tốt chức trách của mình sẽ là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của đất nước.

Cũng với chủ đề này, cô giáo Lê Thị Quỳnh Châu (Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng) đã đưa ra tiêu chí về một nhà giáo trên bục giảng: “Một người thầy, cô giáo tốt, trước hết phải là người có đạo đức, đạo đức đó được thể hiện ở tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với học sinh và hơn nữa là đối với cả xã hội”. Lý giải về điều này, cô nói: “Một người thầy có đạo đức tốt, có tài năng sẽ là biểu tượng, là tấm gương cho học sinh phấn đấu, noi theo. Nhưng ngược lại, một người thầy chỉ cần có một hành vi xấu, sẽ làm tổn thương và mất niềm tin của một lớp học, một trường học và thậm chí là cả một thế hệ”.

Đặc biệt, bài thuyết trình của Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng đã cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay, trong đó có cả những người đang đứng trên bục giảng. Qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của những người được xã hội phân công, giao cho nhiệm vụ nặng nề : Sự nghiệp trồng người.

Hội thi “Nhà giáo Tài năng – Thanh lịch” đã thực sự trở thành sân chơi mới cho những người đang đứng trên bục giảng. Sự nhận xét công khai của Ban giám khảo, của người xem là thước đo, cũng là tấm gương phản chiếu sinh động nhất để mỗi thí sinh và các giáo viên tự soi xét lại mình, phấn đấu xứng đáng là những người được xã hội tin yêu, tôn trọng.

Đức Thịnh                        
 

;
.
.
.
.
.