Năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục 20 công trình trọng điểm trong năm. Trước đó, trên địa bàn thành phố đã khởi công xây dựng hàng trăm công trình không kém phần quy mô. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không ít công trình chưa đạt tiến độ đề ra, thậm chí có công trình khởi công nhiều năm rồi để đó.
Khuôn viên dự án trụ sở Chi nhánh SCB Đà Nẵng cỏ mọc um tùm. |
Theo Sở Xây dựng, tại dự án xây dựng 7.000 căn hộ phục vụ chương trình “Có nhà ở”, hiện đã có 52 khối nhà với 2.707 căn hoàn thành và đưa vào sử dụng; 12 khối nhà chung cư với 1.524 căn hộ đã triển khai thi công trong năm 2011, dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2012. Đặc biệt, 19 khối nhà với khoảng 2.513 căn hộ không kịp bàn giao vì chậm trễ. Đó là chung cư 12 tầng tại khu tái định cư Nại Hiên Đông và chung cư 11 tầng tại khu dân cư Phong Bắc gồm 12 khối nhà với 1.397 căn hộ do Vinaconex thi công. Tiếp theo, chung cư 7 tầng tại khu dân cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông do Vicoland đầu tư và chung cư 9 tầng tại khu Đại Địa Bảo do Liên danh 579 và Đức Mạnh làm chủ đầu tư với khoảng 10 khối nhà và 1.383 căn hộ cũng chậm trễ tiến độ so với cam kết của các chủ đầu tư…
Không phải bỗng nhiên mà thời gian gần đây, hàng loạt công trình rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Nhiều nhà thầu phản ánh, vì đã trót ký hợp đồng nên nhiều công trình hiện trong tình trạng thi công cầm chừng, vì càng làm càng lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Thiết kế xây dựng Kỹ Việt cho biết: Theo Tổng cục Thống kê thì giá trị tăng bình quân cho các hạng mục được tính trượt giá chỉ khoảng 15%. Tuy nhiên trên thực tế, các chi phí thi công từ đầu năm đến cuối năm đã vượt từ 1,5 - 2,5 lần, như thép tăng 165%, vật liệu cát từ 150% đến 200%... Do vậy, nhiều nhà thầu không dám đẩy nhanh tiến độ, bởi nếu tiếp tục thi công, chuyện lỗ tiền tỷ nhìn thấy trước mắt.
Không chỉ vậy, nhiều dự án đầu tư cũng rơi vào tình trạng này. Mới đây, Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cũng đã ra quyết định thu hồi giấy phép 2 dự án đầu tư nước ngoài trị giá 12,5 triệu USD. Đó là dự án sản xuất loại bể công nghiệp chuyên dụng cho nhà máy hóa chất của Công ty TNHH Tradamco Việt Nam. Công ty này đăng ký đầu tư từ năm 2004 tại KCN Hòa Khánh, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Tại KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, dự án chế biến thủy sản của Công ty TNHH Rativiet cũng bị thu hồi. Dự án này dự kiến hoạt động vào tháng 4-2011 nhưng đến nay công ty vẫn chưa đến nhận giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp từ tháng 11-2009. Ngoài ra, trong 2 năm 2010-2011, BQL đã thông báo chấm dứt dự án và thu hồi tổng cộng 17 giấy chứng nhận đầu tư do đơn vị chậm triển khai so với thời hạn cam kết…
Gần đây, một số công trình sau khi khởi công hoành tráng rồi…im hơi lặng tiếng. Điển hình là công trình trụ sở làm việc của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), được khởi công ngày 8-10-2009, tọa lạc trên vị trí rất đẹp gần cầu Rồng, với quy mô 26 tầng và tổng diện tích sử dụng hơn 30.000m2, nhưng sau hơn 2 năm khởi công, đến nay công trình chỉ là bãi đất hoang cỏ cây mọc um tùm. Điều đáng nói nơi đây còn là điểm mất an ninh trật tự…
Trả lời câu hỏi: Vì sao nhiều dự án chậm tiến độ, hoặc khởi công rồi bỏ đó, một số chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do khó huy động vốn để xây dựng, đồng thời lãi suất vay vẫn còn cao, trong khi đó, việc tiếp cận với vốn vay ODA (có lãi suất thấp) cực kỳ khó khăn. Khó khăn nhất là tìm nguồn vốn tài trợ cho nên nhiều công trình đã chậm hoặc không thể triển khai.
Bài và ảnh: Phương Uyên