.

Nợ bảo hiểm xã hội: Sau cánh cửa phiên tòa...

.

Các doanh nghiệp “chây ỳ”, không chịu nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), cực chẳng đã, cơ quan BHXH Đà Nẵng đành phải mời các vị đại diện doanh nghiệp ra... hầu tòa. Thế nhưng, dù kiện vụ nào là được tòa án các cấp tuyên thắng vụ đấy, song hành trình đòi được nợ cũng không phải dễ dàng và người lao động vẫn dài cổ chờ giải quyết quyền lợi, và không biết đến bao giờ...

Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng, một trong những đơn vị thực hiện tốt việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng, một trong những đơn vị thực hiện tốt việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Ra tòa cũng không xong!

Năm nào cũng vậy, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, hết đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, v.v... nhưng nợ vẫn hoàn nợ. Bí quá, cơ quan BHXH thành phố đành... đâm đơn kiện các doanh nghiệp ra tòa. Chỉ riêng trong năm 2010, BHXH thành phố Đà Nẵng đã khởi kiện 15 doanh nghiệp nhưng chỉ truy thu được 5/12,6 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp thực hiện thi hành án 5 đơn vị là: Công ty Công trình 5, Công ty CP xây dựng giao thông 325, Công ty CP Vật liệu xây dựng 323, Công ty CP Kỹ thuật cơ điện lạnh Tadico và Công ty TNHH Song Châu với tổng số tiền thi hành án hơn 4 tỷ đồng nhưng thu hồi được chỉ hơn 2 tỷ đồng.

Điển hình nhất trong số đó là Công ty Công trình 5, có trụ sở tại 349 G-Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Là doanh nghiệp Nhà nước,  nhưng đơn vị này thường xuyên để nợ đọng tiền BHXH, BHYT nhiều năm qua. Mặc dù được BHXH thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng ở Đà Nẵng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra và thanh tra nhưng công ty vẫn không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Do vậy, ngày 26-7-2010, BHXH thành phố đã khởi kiện ra Tòa Lao động thành phố. Sau 2 lần hòa giải, công ty này đã vắng mặt một cách khó hiểu vào phiên tòa ngày 6-10-2010. Đến ngày 3-12-2010, tòa tiếp tục triệu tập xét xử nhưng công ty này vẫn... bặt vô âm tín. Tính đến hết tháng 11-2011, công ty này còn nợ gần 2 tỷ đồng. Sau phiên tòa thì công ty mới miễn cưỡng đồng ý trả 300 triệu đồng! Và lẽ dĩ nhiên, đơn vị nợ BHXH này sẽ bị khoanh sổ và người lao động chưa được chi trả các chế độ. Cơ quan BHXH cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phát đơn khởi kiện nhiều doanh nghiệp để truy thu nợ bởi có những đơn vị nợ lê thê tới cả mấy năm trời.

Nước mắt người lao động

Chị N.T.T.T (28 tuổi, quê ở Nghệ An) làm công nhân ở một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa tại quận Liên Chiểu hơn 3 năm nay. Tuy nhiên, do công ty chậm nộp BHXH nên mọi quyền lợi chị vẫn không được hưởng. “Vừa rồi mình nghỉ thai sản nhưng chẳng được hưởng một quyền lợi nào. Hỏi thì công ty bảo cứ chờ đợi, vì tình hình đang khó khăn nên chưa nộp BHXH được. Nhiều nữ công nhân khác cũng trong tình trạng giống mình”. Còn L.T.H (24 tuổi, quê ở Quảng Nam) thì thở dài: “Công nhân may bọn em nói thiệt là sợ ốm đau lắm vì không có thẻ BHYT, còn ra ngoài khám giá dịch vụ thì tiền sao chịu nổi. Công ty bảo chưa nộp BHXH và BHYT. Chúng em cũng đành chịu nếu không muốn bị mất việc”.

Đời công nhân vốn đã vất vả, đồng lương còm cõi chỉ vừa đủ chi tiêu, nay phải lo thêm các khoản phí phát sinh khi bị bệnh. Còn doanh nghiệp thì cứ mãi bài ca: Tình hình sản xuất khó khăn nên chịu khó... chờ. “Bệnh” nợ BHXH đã lây lan từ các doanh nghiệp thật sự khó khăn đến những doanh nghiệp đang làm ăn khấm khá. Một số doanh nghiệp thậm chí đã nợ lên đến cả tỷ đồng trong thời gian dài mà vẫn không chịu trả, báo hại cơ quan BHXH phải đi đòi. Cũng bởi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên doanh nghiệp thà nộp phạt còn lợi hơn là đóng BHXH.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.