.

Phân dạng người khuyết tật: Còn bỏ ngỏ...

.

Nhiều chương trình giúp đỡ, dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã giúp hàng trăm người khuyết tật có cơ hội tìm việc làm, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên cho đến nay, việc phân loại dạng khuyết tật chưa được quan tâm nên hiệu quả đào tạo vẫn chưa cao.

Mô tả ảnh.
Việc có nhiều dạng tật trong một lớp học hạn chế quá trình đào tạo. TRONG ẢNH: Lớp học tin học của thầy Trần Hữu Ý tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề khuyết tật Đà Nẵng.

 

Gộp chung để đào tạo

Lớp tin học của thầy Trần Hữu Ý tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng có 7 học viên với đủ các dạng tật: Giảm trí tuệ, giảm vận động, câm điếc... Chương trình đều do chính thầy... tự biên soạn để phù hợp với từng em theo cách nâng cao dần để các em dễ tiếp thu. “Bởi mỗi em một dạng tật, với những hạn chế, khiếm khuyết riêng nên nói là học chung một lớp chứ thực tế thì phải dạy cho từng em theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, thầy Ý cho biết. Điều an ủi là hầu hết các em đều học tập rất chăm chỉ và nghe lời thầy cô giáo. Trong năm 2011, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật có mở 3 lớp nghề gồm: may, chế biến thực phẩm và tin học với 26 em tham gia.

Ngoài nơi này, chỉ tính riêng trong năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã tổ chức ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động hộ nghèo với hàng chục cơ sở dạy nghề, qua đó đã dạy nghề cho hơn 1.700 đối tượng đặc thù, trong đó có 54 người khuyết tật. Bên cạnh đó, mô hình “Phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật Đà Nẵng” (2009-2011) của VNAH đã giúp cho hàng chục người khuyết tật được học nghề và có kỹ năng mềm để tìm việc. Nhiều doanh nghiệp nhận dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật như: Công ty Thanh Ngọc Minh, Trung tâm bánh mì Hoa Mai...

Như vậy, được học nghề với người khuyết tật là không khó, tuy nhiên, cái khó là làm sao để học nghề hiệu quả và tìm được việc làm. Thực tế hiện nay là người khuyết tật cứ đăng ký rồi đủ người thì gộp chung vào cùng một lớp để đào tạo, hiệu quả và đầu ra thì... từ từ tính tiếp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng thì: “Để giúp người khuyết tật có việc làm phù hợp, cần có sự tư vấn và quan trọng là việc phân loại dạng khuyết tật, chẳng hạn khuyết tật tay, chân, trí tuệ thì nên lựa chọn việc làm gì cho phù hợp...”.

Khó, cũng phải làm!

Theo số liệu điều tra, khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có khoảng hơn 182 ngàn người khuyết tật, với các dạng khuyết tật: Vận động, nghe nói, khó khăn về nhìn... Đời sống của người khuyết tật còn nhiều khó khăn, phần lớn sống dựa vào người thân. Do vậy, nếu có sự phân loại dạng khuyết tật, có thể sử dụng tốt nguồn lao động này, góp phần giảm gánh nặng xã hội. Bà Kathleen Huff (thạc sĩ tâm lý, quốc tịch Mỹ), chủ quán ẩm thực Bread of life (số 4, đường Đống Đa, TP. Đà Nẵng), nơi đang sử dụng 22 nhân viên là người khiếm thính cho biết: “Các em khiếm thính có thể làm việc rất tốt, thậm chí tốt hơn người bình thường nếu biết phân công đúng công việc, đúng sở trường của mỗi em. Đặc biệt, nhân viên khuyết tật làm việc rất chăm chỉ, nghiêm túc và đáng tin cậy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hoàng Thương, Phó Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật cho biết: “Phân loại dạng khuyết tật là điều nên làm, bởi sẽ tăng hiệu quả cho công tác đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay người khuyết tật đi học nghề còn ít do mặc cảm tự ty. Tìm đỏ mắt, năn nỉ nhiều lần, thậm chí hỗ trợ 240 ngàn đồng/người/tháng mới được vài chục em theo học. Vì số lượng không nhiều nên rất khó phân dạng các loại tật. Hơn nữa, để phân dạng, cần có sự phối hợp của các ngành có liên quan”.

Một thực tế phải thừa nhận rằng: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật từ tháng 4-2009, nhưng đến nay số người khuyết tật có được việc làm phù hợp và bền vững rất ít. Điều đó do nhiều yếu tố như: Môi trường làm việc, thu nhập... chưa phù hợp. Thiết nghĩ, ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp với các Trung tâm y tế quận, huyện trong việc quan tâm đến sức khỏe, thăm dò người khuyết tật ở địa phương thuộc diện khuyết tật nào để các trung tâm, cơ sở đào tạo dạy nghề cho phù hợp. Trên cơ sở đó, sẽ nối kết với doanh nghiệp giúp người khuyết tật có việc làm phù hợp, ổn định, để họ thật sự hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.