.

“Sao tôi phải đi tìm cụ Tú?”

.

Vào Đà Nẵng chưa lâu, tôi đã được nghe danh Thy Hảo Trương Duy Hy gắn với tên tuổi danh sĩ Tú Quỳ. Rồi sự tình cờ cho tôi gặp ông trong một lần đi tác nghiệp. Quý người trẻ có lòng với văn hóa truyền thống, ông hẹn, có dịp đến nhà ông tặng sách và kể chuyện người Quảng cho nghe. Mới đây, ông trao tôi đọc cuốn Hồi ký “Trên đường đi tìm Tú Quỳ”, dự tính sẽ xuất bản đầu năm tới…

Nửa thế kỷ, một đời người

Thy hảo Trương Duy Hy
Thy hảo Trương Duy Hy

Lượt qua cuốn sách “Thơ văn Tú Quỳ” gọn ghẽ (bản mới nhất, hơn 300 trang, khổ 13,5 x 20,5cm) hẳn ít người hình dung được vì sao đó là thành quả gần 50 năm của một đời người. Lại Nguyên Ân, trong lời giới thiệu cuốn sách có viết: “Ở văn học Việt Nam, trong số những tác gia thuộc về giai đoạn cuối của nền văn chương kiểu cũ, không ít người chịu rất nhiều thiệt thòi... Người ta từng nghe nói đến những Học Lạc, Huyện Nẻ và nhiều cái tên khác nữa, nhưng không dễ tìm đọc, dù chỉ một vài tác phẩm nguyên vẹn của họ, trên giấy trắng mực đen. Tú Quỳ là một trường hợp như thế… Việc tìm đọc, khôi phục các sáng tác ấy đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ mà không phải bất cứ ai cũng dám có, dám chịu…”.

Vậy mà, Trương Duy Hy, lúc bấy giờ chỉ là một người Quảng Nam không tên tuổi đã dám làm. Không ít người khi ấy cho việc làm của ông là nông nổi. Ông kể có lần đến xin tư liệu cụ Nguyễn Xương Thái, Thư ký báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, vừa thấy mặt ông, cụ đã nổi giận “… Anh mà biên khảo Tú Quỳ à, cỡ anh mà đi biên khảo Tú Quỳ à? (rồi ông giật dúm tóc trên đầu). Phải hai thứ tóc như tôi đây mà còn chưa làm được nè”.

Với một người mà cả thời đi học chưa bao giờ đứng nhì lớp, bản tính tự nhận là tự cao tự đại, lại năng nổ mà phải nhẫn nhịn những trường hợp như thế hẳn không dễ dàng chút nào. Đến giờ phút này, nhớ lại suốt mấy chục năm ấy, Thy Hảo không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ông phải vuốt cục nghẹn, cục tủi, cục tự ái, sĩ diện… trên dặm trường ông đã trót bước. Cũng không ít lần ông suýt mất mạng vì mãi lao theo tư liệu trong thời buổi đạn bom không biết nhìn người…

Năm 1988, trong nỗi lo cơm áo thời buổi khó khăn, trước sự bất bình của gia đình vì cho rằng ông thiếu thực tế khi đau đáu mãi hai chữ Tú Quỳ… khó nhất là nguồn tư liệu. Thế mà, ông vẫn trở lại bàn viết với vỏn vẹn một cây bút bi, một tập giấy trắng và một trí nhớ có hạn!! Ông viết nhanh, viết gấp. Dựa vào trí nhớ và quá trình gần 20 năm thâm nhập sáng tác Tú Quỳ, cộng với sự góp sức của những người bạn, của các bậc đàn anh, sau bao gian nan, cuối cùng, cuối tháng 5-1993 thì sách in xong với tên “Thơ văn Tú Quỳ”, NXB Đà Nẵng. Tiếp đó là quá trình ông “cõng cụ tú” du Nam, du Bắc… những mong Tú Quỳ sẽ được gia nhập vào gia tài văn học cận đại, được đứng với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc…

Chỉ là… chút tình với quê hương

Thy Hảo Trương Duy Hy tên thật là Trương Duy Hy, sinh năm 1936 tại làng Minh Hương, Hội An. Tác phẩm đã xuất bản: “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, 1993); “Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601 - 1919” do NXB Đà Nẵng ấn hành (NXB Văn nghệ tái bản năm 2007); “Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời Nho học” do NXB Văn học ấn hành (2004); “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ và xuất bản” do NXB Văn học ấn hành (NXB Đà Nẵng tái bản, 2010)…

Với hai công trình về Tú Quỳ và Huỳnh Thị Bảo Hòa, Thy Hảo Trương Duy Hy từng được đánh giá là “Một hiện tượng đặc thù trong giới nghiên cứu nhân vật lịch sử Quảng Nam-Đà Nẵng”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, người mang nghiệp Tú Quỳ tâm sự, thời buổi ấy, không ít người đã đâm nghi ngờ, không biết Thy Hảo nhọc công tìm Tú Quỳ như thế là có dụng ý chi đây, chứ lẽ nào có ai lại bỏ cả cuộc đời chỉ vì đi tìm sự nghiệp văn chương của một con người? Kỳ thực, như ông tâm sự: “Thực ra tôi không có hậu ý gì ghê gớm như người ta tưởng, đó là khi tôi ra Đà Nẵng học 4 năm ở trường Phan Châu Trinh (từ 1952-1956), tôi chỉ được học cổ văn của các danh nho danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… trong Nam thì có sáng tác của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Học Lạc, Đồ Chiểu…

Còn miền Trung, từ Quảng Bình vào tận Phan Thiết, không có một danh nho sĩ nào… Điều này dường như có phần mâu thuẫn với những câu chuyện “Ngũ Phụng Tề Phi” trên đất Quảng ông đã được nghe thời thơ ấu. Thế là, với chút “háo thắng” (từ ông gọi) của tuổi trẻ, lòng tự tôn về quê hương, ông nung nấu ý định phải tìm cho ra một bậc tài danh văn học cũng sáng giá như các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc… Nhưng sau này, càng dấn thân vào công việc, ông càng thấm cảm một niềm đam mê không gì có thể dứt ra được.

Giáo sư Phong Lê, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, trong buổi Thy Hảo ra Bắc giới thiệu tác phẩm Tú Quỳ (năm 1993) đã khẳng định: “Quả là một con đường đi tìm nhọc nhằn, gian khổ - mà có lẽ - tôi không thể nói hết ý nghĩa của việc làm này của anh Hy”… Thế nhưng, với Thy Hảo, “việc bảo lưu và phổ biến văn nghiệp Tú Quỳ chỉ là để khỏi mai một chút gia tài văn học Quảng Nam, là chút tình với quê hương xứ sở…”. Ông nói thế, chúng tôi nghe thế, nhưng tận đáy lòng vẫn không thể giấu diếm niềm kinh ngạc lẫn cảm phục hiện tượng đặc thù trong giới nghiên cứu nhân vật lịch sử Quảng Nam-Đà Nẵng này.

Bài và ảnh: T.Tân

;
.
.
.
.
.